Cuộc thi SCIC (viết tắt của Student Creative Ideas Challenge, Cuộc thi Ý tưởng sáng tạo Sinh viên) là một cuộc thi thường niên do Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Đoàn Thanh niên Trường và Câu lạc bộ Đổi mới sáng tạo SINNO (SoICT Innovation Club) tổ chức. Cuộc thi năm nay nằm trong khuôn khổ Ngày hội Đổi mới sáng tạo (SoICT Innovation Day) 2024, với sự tham gia từ nhiều doanh nghiệp lớn, đem đến các cơ hội việc làm và thực tập cho sinh viên.
Lâu lắm rồi tôi mới lại đâm đầu đi thi. Khác với những camp hay hackathon trước đây, kì thi lần này là một kì thi với phần lớn thời gian ngồi-nhà-và-cãi-lộn. Cả đội đứa nào đứa nấy bận trăm công nghìn việc (vì toàn những đứa tham vọng cả), nên thay vì chỉ mất ngủ 2-3 ngày thì tôi mất ngủ nguyên cả tháng.
Mặc dù không căng thẳng như anh em chơi CTF cầm hơi bằng những lon bò húc, song tôi cũng tìm thấy mình lê lết qua ngày thi chung kết với thứ nhiên liệu bèo bọt: chiếc bánh mì hiệu Vợ ong vàng mua cạnh cổng trường và cốc trà tắc thằng bạn lấy hộ cho.
Shoutout cho những người teammate của tôi, các bạn Mai Đức An, Trần Thuỷ Châu, Nguyễn Công Duy và Phạm Quang Huy. Thêm cái tên tôi nữa, Nguyễn Tiểu Phương, ghép lại lấy chữ cái đầu thì thành tên đội chúng tôi.
Hoá ra bên cạnh việc đặt mật khẩu, con người ta cũng đánh mất tính sáng tạo khi đặt tên nhóm cho một cuộc thi sinh viên. Nhưng điều ấy không quá quan trọng. Nhất là khi bạn nhận ra rằng, sau cuộc thi, đội không chỉ có nụ cười và chiếc cúp trong lòng người hâm mộ, mà có cả phướn để chở về nhà và niềm háo hức chờ tiếng “ting ting” sau đó vài tuần.
“Và giải Ba đầu tiên, xin chúc mừng đội ACDHP, với ý tưởng UniExplore – hệ thống hỗ trợ học sinh trung học chọn trường đại học và ngành học phù hợp.”
Học kẽo kẹt mãi đến năm thứ 3 mới lần đầu làm chuyện ấy. Thay mặt nhóm, tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành nhất đến những người bạn, anh chị, thầy cô, Đoàn trường và doanh nghiệp – đã tạo ra một sân chơi và giúp đỡ chúng tôi trong xuyên suốt cuộc thi.

Cái nào có trước: Công nghệ hay vấn đề?
Vì là cuộc thi ý tưởng, chưa yêu cầu thành phẩm cụ thể, mới đầu chúng tôi nghĩ ra nhiều thứ cao siêu lắm.
Bàn đi bàn lại thôi một hồi thì bắt đầu rơi vào kiểu tư duy: Bây giờ chúng mình biết làm những công nghệ X này, giờ có vấn đề gì sử dụng đến nó nhỉ?
Đội 5 người thì 4 đứa học module AI, có mỗi tôi học IoT. Chúng nó mong muốn làm cái gì đó liên quan đến AI. Một cái gì đó để phân loại, phân cụm, hoặc thị giác máy tính…

Tôi sực nhớ đến học phần “Nhập môn Trí tuệ nhân tạo” của mình. Tôi học vượt, kinh qua các học phần trước các bạn tôi nên chúng tôi không cùng lớp. Hồi ấy, tôi làm nhóm với một bạn bên chương trình Khoa học dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo, cộng với hai anh chàng du học sinh người Đức. Vất vả trong sự tự thử thách mình để làm việc với những người không quen, tôi đã thành công trong công cuộc học được cho bằng hết những gì tôi có thể học từ học phần ấy.
Trong đó là lời thầy tôi dặn dò văng vẳng mãi bên tai:
“Các bạn mới, các em sẽ được học và giới thiệu nhiều công nghệ hay. Các em sẽ tìm thấy một thứ công nghệ mà mình rất thích. Khi tôi giao cho các em bắt đầu làm project, thường các bạn sẽ ghim vào một lựa chọn công nghệ yêu thích ấy, rồi lọ mọ đi tìm vấn đề để cố “ép” vào, giải quyết bằng công nghệ đó.
– Thầy Nguyễn Nhật Quang, trong một tiết học Intro to AI, học kỳ 2022.2
Tôi khuyên các em không nên đi kiểu đó. Vì trên thực tế, vấn đề là thứ có trước, rồi công nghệ mới theo sau. Làm bằng cách này hay cách khác, miễn là giải quyết được vấn đề. Và cũng chỉ có như thế, những gì các em làm ra mới thực sự có giá trị.”
Trong một lớp học đáng ra có gần 140 sinh viên, tới gần cuối kì chỉ còn lại chưa đầy 2 chục mống, chưa kể có đứa làm việc riêng, tôi ngồi trong phòng học đó và cảm thấy mình như kẻ được chọn để nghe những lời ấy.

Tôi bắt đầu ra sức thuyết phục và phân bua, cuối cùng cũng kéo nhóm ra được khỏi suy nghĩ ấy.
Cuối cùng chúng tôi cùng đồng ý với nhau đề xuất cuối cùng từ cô bạn Thuỷ Châu, với dự án giúp đỡ những bạn học sinh cấp ba chọn trường, chọn ngành học.
Công cuộc tăng tốc bất đắc dĩ
Chúng tôi nộp ý tưởng mà lòng nơm nớp lo sợ bị đánh rớt. Những ý tưởng tiềm năng khác, cái nào cái nấy đều nghe rất kêu, sử dụng những công nghệ cao siêu. Thế mới thấy câu chuyện là ta vẫn nuôi dưỡng tư tưởng cá nhân (vấn đề trước công nghệ!), cơ mà cứ phải có những khi bị đời lung lay thì mới là cơ hội phát triển.
Rốt cục thì đội chúng tôi được chọn. Phew!
Chưa kịp vui thì chúng tôi nhận tiếp thông báo về ngày thi chung kết.
Chúng tôi có 1 tuần.
Để làm mock-up, cụ thể hoá ý tưởng, nghiên cứu đối thủ, tổ chức trình bày, vân vân và mây mây.
“Ối giời ơi chúng bây ơi!”
Đi thực tập, tôi dặn mình không được làm việc riêng. Mãi đến lúc tan làm, tôi mới đọc được tin nhắn. Lao ra khỏi Toà nhà Cục tần số vào lúc 5 rưỡi chiều với pace chạy 5’30”, nom tôi giống như một thành phần bị bảo vệ rượt đuổi vì đột nhập bất hợp pháp.
Khả thi, khả thi, khả thi: Cái quan trọng phải nhắc lại 3 lần!
Ngỡ là đi thi sáng kiến thì cứ hay ho là được, nhưng kì thi này đã một lần nữa nhắc nhở tôi rằng: Ánh mắt có thể hướng lên trời, nhưng chân thì phải luôn chạm đất. Mơ gì thì mơ, song nếu như chúng tôi không thể tìm ra được một phần trăm % nhỏ nhất cho ý tưởng khả thi, mọi ước mơ vẫn chỉ là mơ ước.
Khả thi là gì? Từ Hán Việt, đơn giản nghĩa là “làm được”. Làm được bởi ai? Bởi chúng tôi. Làm được cái gì? Một kế hoạch triển khai sơ bộ, một mock-up tổng quan, một tầm nhìn và sứ mệnh thấy được. Làm được như thế nào? Với nguồn lực sẵn có của đội.
Không thành vấn đề. Chủ đề mà chúng tôi chọn, đọc qua nghe còn quá đỗi tầm thường khi so sánh với những đội thi khác. Nhưng chúng tôi chẳng sợ.
Chiến thuật của chiến tranh, ấy là đi đấu, bạn phải tập trung vào thế mạnh của bạn. Bạn sẽ đi đời nếu chỉ biết nhìn ngó xung quanh và sợ hãi.

Một loạt câu hỏi được chúng tôi đặt ra.
- Nhóm có nguồn lực và kĩ năng làm kỹ thuật không? Có
- Có thể chia nhỏ để bắt đầu từ quy mô bé và scale lên dần không? Có
- Đủ sức nghiên cứu công nghệ định sử dụng không? Có
- Làm được thiết kế chi tiết cho bộ câu hỏi không? Có
- Ngần ấy thời gian làm kịp không? Khá bận đấy, nhưng mà vẫn có thể…
Chốt lại là,
Ý tưởng này có thể thực hiện được không? Có.
Vậy là chúng tôi triển.
Công nghệ
Tôi là đứa gánh team cho vòng sơ khảo, bữa đó trót “chém gió” hơi quá đà. Cùng với anh bạn Công Duy gồng gánh slide đến phút chót, chúng tôi tô vẽ nên một bức tranh tương đối nguy hiểm và nặng gánh:
- Hệ đặt câu hỏi đáp ứng (Adaptive Questioning): Sử dụng AI để tuỳ biến câu hỏi cho bài quiz, theo cách dựa vào các câu trả lời trước đó của người dùng để lựa chọn câu hỏi tiếp theo cho hợp lý.
- Mô hình ngôn ngữ lớn (Large Language Model – LLM): Xử lý thông tin tuyển sinh của các trường và đưa lên hệ thống. Đây là phần tôi thấy “khó nhằn” nhất, vì ngồi brainstorm với các bạn mãi vẫn không hình dung ra sẽ làm kiểu gì…
- Hệ gợi ý (Recommender System): Mô hình hoá sinh viên tình nguyện và học sinh cấp ba thành các bộ hồ sơ, so sánh mức độ phù hợp của hai đối tượng này, và rồi cung cấp gợi ý mentor cho học sinh. Chúng tôi định là người dùng sẽ ngồi quẹt mentor của họ như bạn quẹt Tinder, và tôi đã viết như thế vào slide thật.
- Web stack MERN: Dùng để xây dựng web app của nhóm.

Sau khi gào thét nhắc chúng nó nộp slide, tôi gấp máy để vào lớp múa ballet, không ngờ tới cái khả năng những gì chúng tôi bày vẽ sẽ bị cắt đi một nửa vào những ngày gần chung kết.
Sau đó chúng tôi chỉ giữ lại hai cái cuối. Vì ai mà có thể làm được cả hệ gợi ý và mô hình ngôn ngữ lớn cùng một lúc trong một tuần được cơ chứ.

Kinh tế – Thị trường
Công nghệ và Kinh tế luôn là hai thứ luôn đi song hành với nhau, nếu không muốn nói là PHẢI đi song hành với nhau, nếu như bạn không muốn dự án của mình chỉ nằm trên mặt giấy.
Đó là chưa kể thương trường là chiến trường, sản phẩm của bạn đã có bao nhiêu đối thủ có sẵn ngoài kia. Bạn đã nghiên cứu về họ chưa? Hay chỉ chăm chăm nghĩ về cái mình có và gật gù khen hay?
Tôi nhìn template Châu tham khảo được và nhận ra ngay nó là một bản Business Plan proposal, vì trước tôi đã làm nó để apply fellowship (nhưng tạch!). Một vòng Canva và chúng tôi tìm ra, nhét được thêm mục đó vào slide. Để đào sâu về khía cạnh này cũng mất kha khá thời gian, nhưng với cuộc thi này chúng tôi xét thấy điều đó không quá cần thiết, nên cũng chỉ làm cơ bản vậy thôi.
Những khía cạnh “bất hủ” của một Business Plan:
- Vấn đề (Problem)
- Giải pháp đề xuất (Solution)
- Chỉ số chính (Key metrics)
- Đề xuất/ cam kết giá trị (Value propositions)
- Lợi thế cạnh tranh (Unfair advantage)
- Kênh tiếp cận (Channel)
- Đối tượng/ Phân khúc khách hàng (Customer segments)
- Cơ cấu chi phí (Cost structure)
- Nguồn thu (Revenue stream)

Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn tham khảo
Nhóm chúng tôi may mắn có hai người “Bộ trưởng Bộ ngoại giao” là Châu và Huy, những bạn trẻ có nhiều mối quan hệ rộng khắp và nhiều thông tin. Cần cái gì là các bạn hỏi được liền. Huy hỏi được người bên Đoàn, còn Châu hỏi được câu lạc bộ SINNO. Tôi bái phục khả năng networking của các bạn một phép.

Một điều mà những người làm sáng tạo lâu ngày đều hiểu rõ, đó là chẳng có ý tưởng nào là nguyên bản. Những gì mà chúng ta nghĩ ra ngày hôm nay, tưởng rằng “độc nhất vô nhị”, có khi đã có những người làm trước từ đời nào rồi. Chẳng có gì là “original”, chỉ có những bản sao và cập nhật mới, kết hợp và pha trộn, nhặt nhạnh từ nơi này nơi khác – để làm xuất hiện một kiến tạo tiếp theo.
Chúng tôi xin được chỉ dẫn từ những bạn đã đi thi nhiều cuộc thi, cũng như cách họ đã làm với từng dự án: những khía cạnh nào cần quan tâm, cái nào đào sâu, cái nào đi lướt… Nhờ đó mà nhóm có được những thay đổi kịp thời và một hướng đi rõ ràng hơn. Những lời khuyên chuyên môn được Châu đem về và truyền đạt lại. Còn những khó khăn thắc mắc về thủ tục, Huy giải quyết hết cho chúng tôi.

Những sự chuẩn bị cuối cùng
Cuối cùng thì cũng đến ngày thi.

Cơ thể tôi bắt nhịp với nếp ngủ muộn mới, nên đêm hôm trước tôi trằn trọc mãi 11 rưỡi mới ngủ được. Cái đen đủi ở đây là vì tôi đã xây dựng được nhịp sinh học được gần chục năm qua, nên cứ mặt trời mọc là tôi thức dậy. 5-6 năm qua tôi không cần dùng đến cái báo thức nào.
Trong cái ngái ngủ của giấc ngủ vỏn vẹn 6 tiếng, tôi lồm cồm bò từ giường ra tấm thảm yoga vừa mới trải. 7h tôi mới hoàn thành công cuộc yoga buổi sáng và ngồi thiền quen thuộc. Những ngày quan trọng, tôi lại càng quan tâm tới việc gìn giữ nghi lễ của mình.
Chương trình yêu cầu các đội tập trung lúc 7h30 sáng để nghe khai mạc và thể lệ.


Timeline của ngày thi Chung kết. Lượt của đội chúng tôi tới ngay sau đợt nghỉ giải lao của Ban giám khảo.
Sau đấy tôi phóng ra khỏi nhà, như thể tôi đóng phim Fast and Furious phiên bản xe máy.

Cuối cùng thì tôi cũng đến kịp giờ. Lên phòng thi, chúng tôi được thông báo rằng chỉ cần cử đại diện tham dự Khai mạc và lắng nghe thể lệ. Chúng tôi phái Công Duy đi làm công tác ấy.
Teammate An bận đi xun xoe mấy doanh nghiệp dưới sảnh để “kiếm miếng”, miếng ở đây bao gồm điểm rèn luyện và đủ thứ phần quà các đơn vị tặng cho. (Tôi quên mất thực hiện lời thề rằng mình sẽ đấm nó khi nó quay trở lại.) Còn lại ba đứa là tôi, Châu và Huy, ngồi tập dượt lại phần thuyết trình.

Mỗi nhóm được cho 7-8 phút trình bày, cộng với thời gian đặt câu hỏi của Ban giám khảo; dự kiến là cứ 15 phút một nhóm. Câu chuyện sẽ chẳng có vấn đề gì nếu như chương trình không cháy timeline với sự trình bày lấn giờ của nhóm thứ nhất, và sau đó thì hiệu ứng quả cầu tuyết bắt đầu…
Tới chúng tôi, mặc dù chúng tôi keep time chuẩn đến từng giây nhưng vẫn bị cắt ngang. Nhưng nhóm biết không phải lỗi tại chúng tôi, mà tại vì chương trình bị delay quá rồi. Riêng khoản này thì nằm ngoài sự kiểm soát của đội – nên chúng tôi cũng chấp nhận thế thôi, nhưng cũng không tự gây áp lực lên bản thân nữa.

Nói dài thế, tóm lại là công cuộc của những giờ phút cuối cùng chỉ gói gọn trong vài gạch đầu dòng. Bạn có ý định đi thi có thể note lại tham khảo nhé.
- In slide. Cái này có thì tốt, không có thì cũng không sao – ít nhất là với kì thi này. Tài liệu giấy sẽ giúp người chấm có thêm công cụ để tra cứu lại mỗi khi họ bị lỡ mất một phần thông tin nào đó từ bài thuyết trình của bạn, mà không phải tốn quá nhiều thời gian mở máy dùng bản mềm.
- Tập dượt. Dĩ nhiên là phải có. Thuyết trình nói riêng hay đứng trên sân khấu nói chung, tôi nhận ra tập duyệt không bao giờ là đủ. Nó không đảm bảo cho bạn một thành công, nhưng đảm bảo cho bạn những lỗi sai hay sự cố ngớ ngẩn đáng ra đã có thể tránh được nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng.
- Theo dõi thời gian. Ngoài việc kiểm soát thời gian bài thuyết trình, bạn cần nắm được timeline tổng chương trình để phân bổ nguồn lực và hậu cần cho phù hợp. Điều này đúng không chỉ với Ban tổ chức mà còn đúng với người đi thi. Đến giờ, gọi đến tên đội bạn thuyết trình, mà đội vẫn chưa xuất hiện thì… Bạn hiểu ý tôi rồi đấy.
- Chuẩn bị đồ ăn, nước uống. Những cái này thuộc về kĩ năng quản lý bản thân, tức là bạn có thể tự chăm sóc cho mình trong sự kiện. Vì nào có ai để ý cho bạn những cái ấy nữa? (Your mom is not here.) Đi đâu lâu lâu là tôi cũng hay thủ sẵn một bình nước đầy và vài cái bánh mì. Mỗi tội hôm ấy đi thi vác cái bình nước xuống tận cửa rồi mà không đem ra xe…
- Lợi dụng quan hệ để hỏi han, xin kinh nghiệm các nhóm đi trước 🙂 Cái này là do bạn tôi quan hệ rộng, nên chúng nó hỏi được hết người nhóm này đến nhóm khác. May mắn là mọi người cũng tinh thần rộng mở chia sẻ, chứ không căng thẳng đến mức “giấu bài”. Thực ra nghe cũng chỉ để tham khảo, chứ tôi thấy thông tin có được không mang tính quyết định nhiều với những gì chúng tôi đã chuẩn bị. Có gì thì triển nấy thôi, vì cũng chẳng còn thời giờ thay đổi nữa.

Trước giờ G.
Tôi đã lên sân khấu thì sẽ “vào zone” rất nhanh, nhưng những sự chờ đợi luôn làm cho tôi căng thẳng vô cớ. Hít vào, thở ra. Hít vào, thở ra. Ôi mẹ ơi. Nhanh lên cho tôi nhờ.
“Mày vẫn còn lo lắng à Phương? Nếu run quá thì mình có thể la lên:
Áaaaaaa…”
Tôi quay qua.
Lũ bạn đứng đó, cười toe toét.
Thời sinh viên của tôi, thật may mắn khi có những kỉ niệm như vậy!