Bạn đang đáp ứng nhu cầu của ai?

hotel servant making bed in bedroom

Mình xem các chương trình thời sự, rồi podcast, video nhiều cái nói đến chủ đề hướng nghiệp cho các bạn trẻ. Có một câu chuyện thường xuyên được nhắc đi nhắc lại: Doanh nghiệp đa phần phải dành thời gian đào tạo lại/ thêm cho các bạn một thời gian, sau đó mới mong là các bạn làm được việc. Trước ống kính máy quay, các bạn trẻ liến thoắng: “Chúng em phải ý thức học hỏi để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp”.

Các bạn nói như cái máy. Giống như đã được đào luyện kỹ càng. Một phiên bản nâng cao hơn từ “Học để làm gì” – “Học để sau này kiếm được một công việc ổn định.”

Những điều ấy không hẳn sai. Dẫu vậy mình vẫn cảm thấy cực kỳ lấn cấn.

Các bạn như đang cố “nhào nặn” bản thân để khớp với đòi hỏi của doanh nghiệp.

Xét trên một vài khía cạnh nào đó, việc đáp ứng được đòi hỏi lao động sẽ giúp bạn có được những kỹ năng, cả cứng lẫn mềm, hữu ích không chỉ với một doanh nghiệp này mà còn cho cả sự nghiệp của bạn.

Nhưng có những đòi hỏi – nếu bạn đáp ứng được – chỉ tốt với doanh nghiệp mà thôi.


Doanh nghiệp đòi bạn OT không phúc lợi, với lí do “cần phải cống hiến hết mình cho dự án mà không đòi hỏi”.

Doanh nghiệp bảo bạn thực tập nhưng thực chất là bắt làm việc thật, nhưng vì “chưa có nhiều kinh nghiệm” nên không trả lương.

Dĩ nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng chỉ biết chăm chăm lợi dụng người làm. Nhưng chúng ta cũng cần một con mắt tỉnh táo, để nhận biết được khi nào bản thân đang vì không biết đánh giá chính mình và tình hình hiện tại, để rồi nhận về những hợp đồng không thể nào vô lí hơn.

Mình hiểu rằng, khi là những đứa sinh viên mới ra trường, nếu như chưa có trong tay quá nhiều điều gì đáng kể, chúng ta luôn nằm ở thế thấp hơn. Thực tế thì hầu như khi đi xin việc, ta luôn nằm trong thế thấp hơn so với nhà tuyển dụng. Vì nếu ngang bằng hoặc hơn thì họ trực tiếp đi tìm bạn nếu họ cần người như bạn; chứ bạn cũng chưa chắc đã cần phải tìm đến họ.

Lại gặp phải những bạn nơi lòng tự tôn thấp, rất dễ để các bạn cố gắng nói “Có” với bất kỳ yêu cầu nào mà không suy xét thấu đáo, vì sợ sẽ không được một nơi nào nhận cả.

Hãy cẩn thận với những sự bóc lột khoác áo “chuyên nghiệp”.

Nghĩ cho tổ chức, nhưng tuyệt đối đừng quên nghĩ cho chính mình. Bạn muốn gì? Điều gì là cần nhất cho sự phát triển bền vững của bạn?

Hãy luôn đặt câu hỏi.


P/s. Những dòng cuối của bài viết này, xin gửi bạn một trong những phân cảnh mà mình thích nhất trong phim “Ba chàng ngốc”. Đi xin việc, mình chỉ mong bản thân mình vững vàng như vậy mà thôi.