Ném c* vào hội nghị

speaker screaming into loudspeaker for announcing breaking news

Cuối cùng thì ngày đó đã đến.

Trong cả mớ reel* tôi đã làm cho studio, có một cái bắt đầu nổi. Tôi chẳng dám nói nó sẽ viral, nhưng ai mà biết được. Tôi mới đăng nó từ đầu tuần, mà bây giờ (sau 4 ngày) nó đã hơn 11 nghìn view và hơn 700 lượt thích. So với mớ còn lại, khi mọi thống kê đều dừng ở một con số 2 chữ số, nó khá hơn hẳn.

Một phần vì thuật toán, nhưng dĩ nhiên không phải tôi hoàn toàn ăn may. Tôi đã mày mò cải thiện cách mình làm reel từ trước. Mấy chiếc reel trước đó tôi làm rơi đâu đó khoảng 1000-2000 view gì đấy. Team Truyền thông chúc mừng. Chị quản lý vui vẻ.

Nửa đêm chuẩn bị đắp chăn đi ngủ, tôi nhác thấy tin nhắn trong nhóm Truyền thông. “Tự dưng có một comment như thế này mọi người ạ…” Tôi hiểu ngay ra nó là gì. Tôi quyết định tắt máy, đắp chăn, đi ngủ.

Vì ai mà biết được tôi có ngủ được sau đó không, khi mở máy lên và đọc cụ thể comment đó.


Thú thực là tôi thấy điều này đến với mình hơi muộn. Là một người sáng tạo nội dung, tôi được dạy rằng kiểu gì thì kiểu, cũng có những người quyết định sẽ phá phách trên Internet. Bất kể nội dung của bạn có chất lượng, nhân văn, giáo dục đến cỡ nào. Chỉ cần nó đủ nổi để được nhiều người biết đến. Khi ấy, xác suất để bạn gặp phải một kẻ nào đó chọc phá sẽ tăng lên.

Nói như anh thầy viết của tôi, Akwaaba Tùng, hành động ấy gọi là “ném c* vào hội nghị”. Giữa bàn tròn của những người trao đổi và giao lưu có văn hoá, có kẻ nào đó quyết định sẽ phá bĩnh. Vì một lí do nào đó, hoặc chẳng cần lí do gì cả.

Đây là điều đã đập vỡ bao tưởng tượng đẹp của những người tiên phong cho Internet.

“Hai thập kỷ trước, khi Internet đang trong tuổi dậy thì, Rheingold Howard, một nhà tiên phong về công nghệ mạng người Mỹ, phấn khởi tiên đoán nó sẽ đưa chất lượng tương tác của chúng ta trong xã hội lên một tầm mới. “Nó như là một cái xa lông nhỏ”, ông mô tả cho những người còn chưa biết mạng là gì, nghĩa là đa số trong xã hội hồi đó, “tôi có thể tham gia vào hàng trăm câu chuyện, nơi người ta không quan tâm mặt mũi tôi thế nào, giọng nói tôi ra sao, mà chỉ quan tâm tới những ý nghĩ của tôi.” Cư dân mạng không nhìn thấy hình hài, tuổi tác và xuất xứ của nhau, ông lạc quan, do đó mạng sẽ là một vùng đất không có định kiến.

Ai có thể trách được sự ngây thơ của Rheingold Howard?

Tới giờ, sự lạc quan này đã phải nhường chỗ cho một thừa nhận cay đắng. Chính sự vô danh và vô hình trên mạng khiến người ta cư xử vô cảm và độc địa. Khi không phải nhìn vào mắt nhau, người ta sẵn sàng làm đau kẻ khác.”

Đặng Hoàng Giang, “Thiện, Ác và Smartphone”

Hết tiết ballet. Tôi lần mò ra ngoài cửa phòng tập uống nước, nghe lỏm được hai bạn tập nói chuyện, một Việt kiều một Pháp.

“Oh, I’ve seen your profile. You’re so famous!”

“C’ mon, I don’t want to be famous. I want to be well known only.”

Bạn thật là khôn. Tôi nhủ thầm. “Well known” là được người ta biết đến dưới góc độ tích cực. “Famous” là nổi tiếng. Còn nổi tiếng kiểu gì thì chẳng ai biết được.

Tôi tạo nội dung, viết blog, làm YouTube vì tôi thích, và vì tôi nghĩ thứ tôi làm sẽ có ích cho một ai đó.

Tôi cũng muốn sản phẩm của mình đến được với nhiều người lắm chứ. Nhưng tôi cũng ớn lắm khả năng cao của một comment tiêu cực, chửi rủa, report dạo hay cái gì đó tương tự thế.

Người mà tôi ngưỡng mộ, bác Gary Vee, từng chia sẻ bác cũng đã từng có một năm suy sụp tinh thần chỉ vì một comment tiêu cực. Những tưởng họ nổi tiếng thì sẽ không vì như vậy mà bị đánh gục. Nhưng đúng hơn, có lẽ chính vì vượt qua được những việc ấy mà họ mới tiếp tục xây dựng được tên tuổi.

Còn kẻ “ném c*” kia, thiền có lẽ sẽ tốt cho họ!


*Reel: Tên gọi của các video ngắn trên Instagram.