Mấy ngày nay nổi lên cái trend:
- Ước mơ ngày bé
- Ngành học
- Công việc hiện tại
Ba câu hỏi, ba câu trả lời. Ba câu ấy giống nhau hay không, tuỳ thuộc vào mỗi người.
Tôi đi apply cả đống học bổng và cuộc thi, được nhận thì ít mà tạch thì như mưa rào mùa hạ. Theo như tôi thấy thì người tuyển hay có những mô-típ na ná nhau. Họ thích một tập người nhất định: Tập người chứng minh là họ có mục đích rõ ràng và mọi thứ họ làm đều chỉ xoay quanh mục đích ấy.
Kiểu như đã apply làm Kỹ sư AI thì CV toàn là dự án kì thi AI, học máy, học sâu các kiểu; sẽ tốt hơn là một mục làm web hay phần mềm gì đó. Đấy là đã tính trải nghiệm cùng ngành, chứ lại còn “tay ngang” từ ngành không liên quan thì họ gạch đít luôn. Chẳng ai quan tâm lắm về việc bạn đã đi tình nguyện vài dự án giáo dục vùng xa hay thiết kế mấy cái banner tuyệt đẹp.
Thế nên mới có kiểu các HR khuyên người ta làm CV thì phải “tailor”, nghĩa là tuyển chọn ra trong đống trải nghiệm của bạn thứ gì phù hợp và liên quan tới cái vị trí ấy thôi.
Nói tóm lại, nếu ba câu trả lời ở trên của bạn thống nhất thì khả năng cao là nhà tuyển dụng đánh giá tốt về bạn.
Dù sao thì cũng chẳng có ai sai ở đây.
Nhưng việc người ta chỉ cần có thế dễ khiến ta rung đùi tự đắc: Chỉ cần bản thân giỏi chuyên môn là được. Cậy có bằng. Lôi lĩnh vực riêng ra để nói chuyện. Mặc cả với việc học. Tự thấy không cần phải biết thêm, nhất là với thứ gì ngoài “chuyên ngành” của mình.
Tôi không bài xích nỗ lực chuyên môn hoá. Nó là thứ (có lẽ) bạn cần, để có được một lợi thế cạnh tranh nhất định.
Nhưng nếu bạn chỉ biết sâu đúng một thứ thôi thì đó lại là vấn đề.
“Các bạn có biết những câu lạc bộ hay đội nhóm học sinh sinh viên hay có kiểu gì không? Ấy là các bạn hay chia thành các Ban, cứ như là công ty tập đoàn gì đó vậy.
Cô Phạm Thị Hải Anh, Chuyên viên Ban Công tác Sinh viên; trong buổi họp Cộng tác viên Các chương trình Kỹ năng mềm 2023.2
Vấn đề của cách làm đó là mọi người sẽ thoái thác trách nhiệm khi cho rằng một việc gì đó không thuộc cái họ phải làm. Hỏi đến cái gì cũng không biết, lại bảo phải đi hỏi Ban khác.”
Nói thật là nếu lúc ấy đang không phải ngồi họp thì tôi đã leo lên bàn đứng. Để đồng ý với cô. Như cảnh cuối Dead Poets Society. (O Captain, My Captain!)
Tôi đã đi vào và đi ra khỏi nhiều hội nhóm cũng là vì lẽ đó. Ở trong những tập thể ấy, tôi tìm thấy các bạn và cũng tìm thấy chính một con người mình, chỉ biết chăm chăm làm việc được giao trong giới hạn. Bị giao cái gì “lạ” là làm mình làm mẩy. “Sao lại giao cái này cho tui?” Việc gì mà liên quan đến đội khác thì từ chối. “Tui không biết. Hỏi ban Tài chính/ Chuyên môn/ Media/ HR/ PR, etc. nhé.”
Một vài người nói với tôi rằng sao tôi giỏi thế, động cái gì cũng biết làm. Tôi thấy nói thế thì hơi quá – tôi còn ối thứ phải học. Nhưng tôi cũng tự thấy mình có khả năng xoay sở tốt.
Thời buổi Internet mạng không căng thì cũng chập chờn tra cứu được, tôi mày mò từ bảo dưỡng cái máy lọc nước, dọn điều hoà, thông cống, đóng đinh, đấu điện, vân vân và mây mây.
Âu cũng phải cảm ơn cha tôi vì ông huấn luyện cho tôi theo đúng chuẩn quân đội. Hễ hỏng cái gì trong nhà là ông sửa, và gọi tôi xuống học. Hoặc dễ hơn thì bảo tôi hãy mày mò mà xử lý đi. Không gọi thợ khi thực sự không cần thiết. Có những vấn đề giải quyết được bằng tiền (aka. thuê người làm), nhưng ông nhất quyết bắt tôi phải làm. Để học và hiểu. “Phải biết làm cái đã, sau này con có tiền, con đi thuê người ta thì tính sau.”

Trước đây tôi bực mình, sao mấy cái này bố cứ bắt con làm. Vừa tốn thời gian, vừa mệt mỏi. Giờ thì tôi biết ơn ông biết mấy. Vì những gì tôi học được không chỉ đơn giản là mấy món cơ khí trong nhà. Tôi học được một hệ tư duy.
Hễ đời có biến, tôi có thể chưa giải quyết được ngay, nhưng nuôi trong lòng một niềm tin mãnh liệt là mình sẽ xử lý được nó.
Tôi nghĩ có được điều ấy không dễ nhưng cũng chẳng khó. Vứt cái mác chuyên môn đi. Tư duy nguyên bản.* Mở mình ra với những trải nghiệm. Sẵn sàng để vật lộn với mọi thứ trên đời. Học cách yêu 3 chữ K: “khô, khổ, khó”.
Đừng mãi nhận mình là chuyên gia. Nó tốt cho CV, nhưng không tốt cho sự phát triển của bạn.
Cái mác “chuyên gia” làm ta cảm thấy cực kỳ khó chấp nhận khi thấy mình là một “gà mờ” ở một lĩnh vực khác. Ta sẽ không chịu nổi vì cái tôi to. Rồi ta từ chối học.
Cuối cùng, ta từ chối phát triển ra bên ngoài cái khung “chuyên môn” của mình.
P/s: À, còn câu trả lời của tôi:
- Điệp viên
- IT
- (Ăn chơi) Nhảy múa
Chắc đây là lí do tôi tạch.
Tôi học Global ICT, vậy mà giờ tôi làm thực tập sinh Red Team**. Thôi thì hẹn bạn mấy ngày tới, tôi kể tiếp chuyện cho…
* Tư duy nguyên bản (First principles thinking) là một phương pháp suy nghĩ phân tích dựa trên căn nguyên, ngọn nguồn và gốc rễ của vấn đề, từ đó bóc tách, xé nhỏ vấn đề thành những sự thật/ yếu tố cấu thành không thể nhỏ hơn.
** Red Team (Đội Đỏ): Thuật ngữ này có nguồn gốc từ môi trường quân sự. Trong an toàn thông tin, bạn hiểu nôm na Đội Đỏ là đội chuyên tấn công, trong khi Blue Team (Đội Xanh) là đội chuyên phòng thủ.
Red Team tập trung vào việc kiểm thử xâm nhập ở các hệ thống với các mức độ bảo mật phần mềm khác nhau. Họ phát hiện, ngăn chặn và xóa bỏ các lỗ hổng bảo mật. Nguồn: Cystack