NHÂN Performance | Đêm diễn tháng 11 (2023)

Về NHÂN 2023

NHÂN | là con người
NHÂN | là cái cốt lõi
NHÂN | là chính chúng ta

Đến hẹn lại lên, hàng năm, Kinergie Studio lại tổ chức một đêm diễn, nơi những học viên “trình làng” với tất cả những gì họ đã học và luyện tập trong một năm vừa qua. Đêm diễn tháng 11 năm 2023 với chủ đề “NHÂN”, nhấn mạnh đến yếu tố con người như là chủ thể và nhân tố tham gia trực tiếp xung quanh những hoạt động văn hoá nghệ thuật; đồng thời lan toả một niềm tin của Kinergie Studio: Nhảy múa là dành cho tất cả mọi người.

Với chương trình năm nay, mình góp mặt trong 2 tiết mục, bao gồm vở “Ta đi tìm ta” đã từng biểu diễn tại Lễ hội PAS của ATH Theatre; và vở diễn mới “Nhân” cùng tên sự kiện, biên đạo bởi anh Bách Việt Phan.

Sự sống, từ khi bắt đầu, và kết thúc

Lần cuối mình làm việc với anh Bách theo tư cách diễn viên-biên đạo là từ HBDC mùa 4, cũng là một khoảng thời gian đã lâu. Song mình cũng không quá ngạc nhiên, khi một lần nữa nhận được một đề bài hay ho và tất nhiên, khó nhằn. Anh vẫn giao đề bài khó, và mình vẫn thích thú vì những thử thách ấy.

Anh muốn làm về sự sống. Nói đơn giản thì mình kể một dòng đời, sinh-lão-bệnh-tử. Trước mắt thì anh mới chỉ có vài mường tượng: Khi ta là một đứa trẻ đầy vô tư, rồi ta trưởng thành và mất đi phần nào điều ấy, lăn lộn và theo đuổi; tới cuối hành trình mệt mỏi, ta quay về và hồi tưởng lại mọi thứ. Rồi đi.”

“Anh mới chỉ có ý tưởng như vậy thôi. Mình sẽ có đạo cụ là đèn.”

Đội diễn “Nhân” với 8 cô gái, đang bàn thảo trong giờ giải lao.

Đứa trẻ trong em là ai?

“Còn em… anh không nhìn thấy một đứa trẻ nào cả. Chỉ có một người mải lo nghĩ làm sao để động tác họ làm là đẹp. Và anh cực kỳ ghét điều đấy.”

Điều anh Bách nói làm mình ngẩn người. Nhận đề bài là “Hãy chơi với ánh đèn như một đứa trẻ”, tất cả mọi người cùng vào và improv cùng một lúc. Biên đạo ngồi ngoài và quan sát, đưa phản hồi cho từng người. Ai cũng được gợi ý phát triển thêm một kiểu đứa trẻ nào đó mà anh nhìn thấy được từ họ.

Còn mình thì, well, mình chẳng có đứa trẻ nào cả.

Nói thật là khi đó mình thấy khá buồn. Buồn không phải vì được nhận xét như vậy, mà bởi vì tự hỏi rằng cái “đứa trẻ” ấy là đứa nào nhỉ. Mọi người nói mãi về sự vô tư và ngây thơ, song mình chưa bao giờ cảm thấy bản thân có thể liên hệ đến những điều như thế. Có lẽ nhiều phần vì mình đã bị ép phải lớn lên quá nhanh, dù bằng cách này hay cách khác.

Hình ảnh cho ý tưởng bào thai ở phần đầu tác phẩm.
Và đây là thứ tụi mình làm ra.

Đến khi mình nhận ra, hầu hết những người xung quanh đều đánh giá mình “già trước tuổi”. Nói chuyện với mình, họ nghĩ mình phải sinh trước năm sinh thật ít nhất 5 – 6 năm. Mình từng thấy vui vì nhiều người nói rằng mình “trưởng thành”, nhưng bấy giờ thì điều ấy không còn mang lại cảm xúc gì đặc biệt.

Thật may mắn vì không lâu sau khi mình chia sẻ câu chuyện này, mình đã nhận được sự trợ giúp của anh Tân Trương – bạn diễn từ vở PAS, đồng thời là lead của dự án Sân khấu diễn đàn (British Council), thầy giáo từ Hanoi Westminster School và gần đây nhất là speaker của TEDxDAV. Anh nghiên cứu và quan tâm đến cách mà ta có thể kết nối với đứa trẻ bên trong của mình.

Anh Tân tại TEDxDAV 2023: nexus. Trên màn ảnh là hình ảnh từ vở diễn PAS của tụi mình.

“Em thử đọc quyển sách này nhé.” Trái tim người lớn là con hàu mang vỏ. Nini. Truyện tranh! Có vẻ hay. Anh Tân chia sẻ cho mình nhiều điều, và lời khuyên để đi tìm lại đứa nhóc của mình nữa.

Ngắm nghe ánh sáng – kể chuyện mình

Nếu như ánh sáng là sự sống, thì bóng tối là cái chết. Một suy luận đơn giản như vậy thôi, nhưng khi khai thác sâu vẫn tìm thấy nhiều điều thú vị. Với đạo cụ là chiếc đèn gắn tay mua 15k được một lô lốc trên Shopee, cộng với sau này là đèn được may cả vào trong áo, cả ekip ngồi tí tách bật tắt đèn, thử với gương với tường, chiếu vào mặt nhau. Sau cùng thì rút ra được một vài hình ảnh:

  • Ánh đèn đom đóm, thứ hấp dẫn những đứa trẻ đi tìm và đuổi bắt;
  • Nhịp đập của trái tim, nguồn sáng loé lên từ lồng ngực – thứ đập mạnh mẽ từ một bào thai, và chậm rãi của một người sắp ra đi;
  • Thứ phải có để tạo ra những bóng đen – và từ đó chơi tiếp với bóng;
  • Nhập nhoạng bật tắt tạo ra nhịp điệu, ví dụ như điện tâm đồ của hình ảnh “giường bệnh” của giai đoạn “người già”;
  • Là chiếu spotlight cho một chủ thể bất kỳ.
Một cách chơi ánh sáng thực chất là để tạo ra bóng và chơi bóng trên tường.

Canon in… tổ hợp

Trong nhảy múa có một kỹ năng rất quan trong với các dancer dù ở bất kỳ hệ chơi nào: Musicality. Đó là khả năng nghe nhạc, phân tách âm thanh, và xử lý âm thanh đó với chuyển động của mình. Musicality tốt cho bạn khả năng freestyle “chất”, cách biên bài độc đáo, phối hợp nhịp nhàng với bạn nhảy/ party, và hằng hà sa số những thứ khác để trở thành một vũ công giỏi.

Bài tập đếm nhạc “cơ bản” từ STEEZY Studio. Bạn hãy thử xem và làm theo để xem có đếm được như tụi mình không nhé. Không thuận theo con số thì cũng đừng stress quá: Nhiều biên đạo lão làng đếm theo “bùm chát”, đánh dấu bằng những âm thanh có trong bài nhạc.

Nền tảng âm nhạc của vũ công có thể đến từ nhiều nguồn khác nhau, song trên phòng tập, chuyện “luyện nghe nhạc” vẫn là một bài tập quan trọng. Cơ bản nhất là phải cảm được nhịp. Tiếp đến là phải phân tách được các layer của một bài nhạc. Bạn cần phải nghe được đâu là trống, đâu là hi-hat, đâu là snare, đâu là melody… Sau đó là timing được khổ nhạc, đoán biết được DJ effect hay transition giữa các đoạn Bridges – Verse – Break…

Nhưng khoan bàn đến chuyện đó. Chỉ cần nắm chắc nhịp cái đã, vì…

“Anh muốn tổ hợp này mọi người làm canon.” Tổ hợp duy nhất trong bài, được biên “chớp nhoáng” bằng cách mỗi người đưa một động tác và ghép vào, được yêu cầu thực hiện theo một luật lệ mới.

Một đoạn trong phần tổ hợp.

Ai học nhạc lý hẳn sẽ biết “canon” là gì. Hiểu đơn giản thì nếu như bạn nói chuyện với con vẹt, và con vẹt chỉ lặp lại theo bạn – thì bạn là giai điệu chính và con vẹt là giai điệu phỏng mẫu. Thay vì tất cả cùng làm một lúc, người lead sẽ nhảy trước, những người “bè phụ” sẽ nhảy trễ hơn, nhưng cùng động tác đó.

Canon là một bản nhạc đối âm sử dụng giai điệu có kết hợp một hoặc nhiều giai điệu phỏng mẫu kèm theo trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ, trong khoảng nghỉ, điệu nhảy,…) Giai điệu chính đóng vai trò chủ đạo trong canon gọi là lãnh xướng (hợp âm chính), còn những giai điệu mô phỏng với nhiều âm sắc khác nhau có tác dụng hỗ trợ hoặc bè gọi là phụ xướng (hợp âm phụ).
Giai điệu phụ xướng phải phỏng theo lãnh xướng, hoặc phải như một bản sao chính xác nhịp và quãng của hợp âm chính, hoặc có tác dụng như một phần nhạc chuyển giao trung gian.

(theo Wikipedia)

Một trích đoạn ký âm từ tác phẩm “Canon cung Rê trưởng” (Canon in D) của Johann Pachelbel. Violin 1 chơi giai điệu chính, và các violin 2 và 3 chơi các giai điệu mô phỏng. Hãy để ý những đoạn có màu giống nhau: đó là những đoạn được lặp lại. Các giọng thứ (bè) lặp lại giọng chính, nhưng sau một khoảng thời gian nhất định, ở đây là 1 nhịp 8.

Làm canon những cả đội hình cũng không đứng yên một chỗ: Chúng mình xuất phát từ góc phần tư bên trái dưới phòng, chuyển chéo sang phải trung, lộn về trái trên và cuối cùng là về giữa. Mỗi lần xoay đội hình là một người khác đứng ở trên đầu và là lead chính. Không tập trung cao độ là “ố dè” ngay: Kiểu gì cũng lệch nhịp, đạp phải ai đó, và nở nụ cười a-hi-hi vì không bắt kịp được tiếp.

Mình là lead ở động tác cuối cùng, khi nhịp được đẩy lên cao nhất: 32 nhịp (Nhạc lý tương đương? Ta-ka-di-mi*). Khá là may mắn khi mình đã học hành âm nhạc tử tế: Hầu hết vì quá nhanh nên mọi người không bắt theo nhạc, nhìn mình rồi quăng tay quăng chân theo thôi. Nếu không phải là đang trong studio múa, có lẽ người ta sẽ tưởng tụi mình tập aerobic mất.

Tác phẩm của biên đạo Sadeck Waff cho Thế vận hội Paris 2024 năm nay, là một ví dụ tiêu biểu cho việc sử dụng triệt để canon trong tutting nhóm (từ phút thứ 1:03).

Cái bóng dần trỗi dậy và nuốt chửng

“Where there is light, there must be shadow, and where there is shadow there must be light. There is no shadow without light and no light without shadow. Karl Jung said this about ‘the Shadow’ in one of his books: ‘It is as evil as we are positive… the more desperately we try to be good and wonderful and perfect, the more the Shadow develops a definite will to be black and evil and destructive… The fact is that if one tries beyond one’s capacity to be perfect, the shadow descends to hell and becomes the devil. For it is just as sinful from the standpoint of nature and of truth to be above oneself as to be below oneself.”

—Haruki Murakami, 1Q84
Lyubomir Bukov, Shadows of the Past  (2014)

Hình ảnh chiếc bóng đã từ lâu được các nhà sáng tạo khai thác và sử dụng để kể nhiều câu chuyện. Chiếc bóng là hiện thân cho một con người, là nội tâm của con người đó, là mặt tối khi người ta trưng ra mặt sáng của họ. Bên ngoài trông có vẻ yên bình vui tươi, song có thể phía sau là sóng ngầm cuộn chảy. Mặt ngoài có thể tỏ vẻ bình bình, không quan tâm; nhưng bên trong lại là khát khao mãnh liệt.

Đề bài cuối cùng của anh Bách, và cũng là thứ mình dành nhiều thời gian nhất để “vật lộn”. Với chủ đề tình yêu đôi lứa và sự đố kỵ của giai đoạn “người trưởng thành”, các diễn viên chủ yếu nhìn nhau trong lúng túng nhiều hơn là tập. Có người đã có những trải nghiệm tương tự, nhưng họ không thể diễn ra được biểu cảm ấy, hay không thể làm tới. Còn có những thành phần “nho xanh”, chưa từng biết yêu đương là gì (nói nhỏ: như mình chẳng hạn 👉👈), cứ ngồi… một đống ở đấy, chẳng biết diễn tiếp thế nào.

Một buổi tập tại nhà anh Bách. Tên đội mũ nồi đang chống nạnh trong ảnh chính là gã biên đạo.

Về cơ bản cần đến 4 người: hai người làm phiên bản “người thật” và hai người phía sau làm “bóng”. Mỗi vai có cái khó riêng, nhưng đa phần đều đánh giá là làm bóng đen ở phía sau khó hơn nhiều so với vai chủ thể: Vừa phải xuất phát với khả năng bắt chước được y chang ngẫu hứng của người đằng trước theo thời gian thực, vừa phải đẩy năng lượng lên cực điểm và lấn át chính bản thể thực sau đó.

Mình rất hân hạnh khi được đùn cho vai “chiếc bóng”, một vai đòi hỏi thứ năng lượng “raw” và khả năng mirror tốt, vốn là thế mạnh của bản thân. Cơ mà vẫn phải lắc đầu lè lưỡi, vì cần cả 4 người đều diễn đạt, và cũng đòi hỏi mình phải có nhiều vốn (read: vốn sống + vốn chuyển động) hơn nữa.

Team mất kha khá thời gian thử sai trong vô vọng, cho tới khi thầy bước vào. “Ý tưởng tốt đấy, nhưng hiện tại thì các bạn chưa làm được đâu. Phải tập thêm một thời gian nữa. Mình tạm thời cất nó trong ngăn kéo – hẹn sau này lôi ra phát triển tiếp.”

D-Day – Ngày biểu diễn

Bản phác thảo cho logo của sự kiện, vẽ bởi anh Bách.

Làm MC vào… phút 89’

“Anh Tân, anh đang làm gì đó…?”

“Anh đang dịch script MC từ tiếng Việt sang tiếng Anh đó. Mình lại có khách nước ngoài em à.”

Con người này, luôn luôn vơ về mình rất nhiều việc, như thể không biết giới hạn bản thân ở đâu vậy.

“Anh để em nói cùng anh nhé. Anh nói tiếng Việt, còn em nói tiếng Anh. Chỗ này nữa, để em dịch cho.”

Và thế là mình kiêm thêm làm MC. Không chỉ phải múa môi nói tiếng Anh, mình phải nhờ tới từ điển tiếng Pháp cấp tốc để phát âm mấy tiết mục cho đúng. (Phăng-di-đề-…gì nhỉ, pa-đờ-sa…?) Xung phong theo kiểu tuổi trẻ hào sảng thừa năng lượng, mình vẫn chưa nhận ra mình vẫn đang trong vai dancer đương đại chỉ mặc đồ tập ngồi lăn lộn vừa quê vừa bẩn (:v).

Các chị tá hoả vì đứa em: Chị Huyền cho mượn váy, chị Phương bắt tô son, chị Keira Ngô kéo ra bắt make up. Và thế là mình chạy bắn vào trong để kịp giờ bắt đầu. (Xin đa tạ các chị!)

“Vào Control Panel, mục Âm thanh, đổi Interface/Output sang loa máy chiếu”

Vở diễn đầu tiên “Mơ”, mở màn cho phân mục Đương đại, và cũng là vở diễn đòi hỏi setup kỹ thuật cầu kì nhất.

Rõ là cứ vở diễn nào tổ chức ở Kin là một đề bài thử thách khả năng IT Support (trong áp lực!) dành cho mình. Nếu như ở vở diễn năm ngoái, mình phải xử lý lỗi “màn hình xanh chết chóc” của chiếc laptop Windows checkin ở cửa; thì năm nay sự cố ấy ”chuối” hơn nhiều: Đã đến giờ diễn của các tiết mục đương đại, và nhạc không lên!

Vừa giải thoát bản thân khỏi chiếc vai MC, mình ngó vào thấy một sân khấu sáng đèn trống không, khán giả chầu chực chờ đợi, trong khi anh bạn MC Tân Trương đang tranh thủ khơi chuyện câu thêm thời gian. “Có chuyện gì thế chị?” Chị Hải, trong vai tay bấm đèn và manager của vở diễn năm nay, thì thào: “Nhạc không lên em ạ. Mọi người đang sửa ở trong.” Chân này đạp vào chân kia, mình quáng quàng chạy vào cánh gà để “troubleshooting”, không quên nhờ các bạn cộng tác viên kéo rèm sân khấu lại.

Sau 15’ loay hoay của bốn con người, nhạc chạy. Và mọi người nhanh chóng rút về, ổn định trật tự. Mình không quên nháy “cue” cho anh Tân, người nhanh chóng khéo léo đưa khán giả quay về với thứ họ đã chờ đợi bấy lâu.

Cảnh “người già”, khi một con người sắp qua đời và hồi tưởng kí ức chớp nhoáng của họ.
Cảnh kết của vở diễn “Nhân” nhỏ, và cũng là những phút cuối cùng của sự kiện năm nay.

Lời cảm ơn

Đêm diễn đánh dấu năm thứ hai mình luyện tập với Kinergie và những người bạn. Tuy không còn lại nhiều lắm cái bỡ ngỡ và háo hức như năm đầu tiên, nhưng mình lại học được nhiều hơn, được làm nhiều hơn và quan trọng là ngẫm ra nhiều điều hơn.

Chỉ đạo nghệ thuật: NS. Đỗ Hoàng Thi Ngọc, NSƯT. Nguyễn Quỳnh Nga
Sản xuất: Minh Hải
Kỹ thuật ánh sáng: Minh Hải
Kỹ thuật âm thanh: Hoàng Hà
Poster/ Logo/ Banner: My Hà, Bach Viet Phan
Media: Bach Viet Phan
MC: Tân Trương, Tiểu Phương
Hậu cần: Đội sản xuất linh hoạt Kinergie

Cùng các tiết mục đến từ:

  • Ballet Kid
  • Ballet Cổ điển (Người lớn) và các soloist: Nga Triệu, Hương, Hồng, Yuriko Aguin
  • Các vở múa đương đại:
    • “Mơ” (Thu Trang, Quốc Hưng)
    • “Ta đi tìm ta” (Tân Trương, My Hà, Phương Buratino, Tiểu Phương)
    • “Bạn đã đủ men chưa?” (Lơ Mơ, Alex Lưu);
Vở diễn “Nhân”

Biên đạo: Bach Viet Phan
Trang phục: Hà Tâm
Âm nhạc: Bảo Huy (Levia)
Diễn viên: Hoàng Dung, Ánh Dâu, Huyền M. Hoàng, Linh Nguyễn, My Hà, Phương Buratino, Hoa Nguyễn Ngọc, Tiểu Phương

Và dĩ nhiên là không thể thiếu lời cảm ơn tới bạn, những khán giả đã tới chung vui và theo dõi chúng mình ngày hôm ấy.


*Takadimi là một hệ thống được phát triển bởi Richard Hoffman, William Pelto và John W. White vào năm 1996 nhằm mục đích dạy kỹ năng nhịp điệu. Takadimi dựa trên việc sử dụng các âm tiết cụ thể tại các vị trí nhất định trong một phách. Hệ thống này được sử dụng trong các lớp học từ bậc tiểu học đến đại học.

2 responses

  1. I wonder how much work goes into creating a website this excellent and educational. I’ve read a few really good things here, and it’s definitely worth saving for future visits.

    1. For long posts like this it really took me some time 🙂 However I’m glad there is something you can take away – it’s my biggest motivation!