về nỗi đau: sự so sánh (Phần 2)

man person legs grass

“Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa. Cái bản tính tốt của người ta bị những nỗi lo lắng, buồn đau ích kỷ che lấp mất…”

Nam Cao

Tôi nghĩ điều mà Nam Cao đã quên không đưa vào trước tác của ông năm ấy, ấy là chuyện người ta nên làm gì khi biết và hiểu được điều mà ông nói.

Đã quá nhiều lần trong những cuộc đối thoại, tôi tìm thấy các bên từ ý định “sẽ lắng nghe nhau” trở thành “trận chiến kêu nghèo kể khổ”. Thay vì lắng nghe, người ta phủi đi, bảo bạn rằng họ còn khổ hơn, vì những sự a, b, c nào đó. Đến đây thì tôi cá là bạn chẳng muốn tiếp tục nữa. Là tôi thì tôi im lặng, tìm cách kết thúc trò chuyện sớm. Nói như Austin Kleon thì đây là những “ma cà rồng”*, kẻ sẽ hút cạn năng lượng của bạn.

Vì nếu là người bình thường, khi bạn đã ở mức năng lượng quá thấp rồi đi, những tưởng được chia sẻ mà lại thành thùng rác cảm xúc cho người kia, khó ai có thể chịu được.

Nhưng thật khó để mà không so sánh.

Ví dụ bạn có một người bạn học giỏi. Cô ấy lâu nay toàn được điểm A, nay bị một điểm B, cực kỳ buồn bã. Còn bạn thì làm còn tệ hơn thế – C hay là D…? Bạn đã chưa bao giờ là một học sinh điểm A. Hẳn là bạn sẽ so sánh và thấy nỗi niềm của cô bạn có phần vô lý – được điểm B mà còn buồn! – nếu xét trên hoàn cảnh của bạn. Nhưng đó cũng là lúc bạn đã đi chệch hướng: Xét trên hoàn cảnh của cô bạn đó, cảm thấy buồn có lẽ là một điều bình thường với cô ấy.


Tuy nhiên, việc đặt lên bàn cân những vấn đề theo cách đó lại được chứng minh vốn là bản chất của con người chúng ta. Trong “Lý thuyết về công lý” (A Theory of Justice – 1971), học giả Harvard John Rawls đã đưa đến một thí nghiệm tư duy mà ông gọi là “Địa vị ban đầu” (Original Position), cho thấy rằng khi thiết kế một thế giới tốt đẹp hơn, dù thừa nhận hay không, ta thường lấy địa vị của mình làm điểm xuất phát.

Thí nghiệm này cực kỳ giống với đoạn cuối của phim “Thiếu niên và chim diệc” (How Do You Live?) từ Studio Ghibli. Cậu bé Mahito được người tháp chủ, lúc bấy giờ đã già yếu, yêu cầu cậu sắp đặt những viên đá khối để tạo ra một thế giới mới. Nếu bạn là Mahito, bạn sẽ dựng lắp những khối đá này như thế nào? Yêu cầu của thí nghiệm là bạn hãy làm việc đó một cách vô tư, không nhắm đến một địa vị nào đó trong thế giới tương lai.

Mahito gặp được tháp chủ. The Boy and the Heron © STUDIO GHIBLI

John Rawls nói với chúng ta rằng nếu ta không đứng được đằng sau một “bức màn của sự vô tri” (Veil of Ignorance), chúng ta sẽ hành xử y hệt như Vua Vẹt: chăm chăm cướp lấy đá khối để tái thiết lại thế giới có lợi nhất cho loài vẹt – hay đúng hơn là trên hệ quy chiếu với chỗ đứng hiện tại của ta trong thế giới.

Quay lại chuyện về nỗi đau. Vậy thì, bạn hỏi, cách tốt nhất là gì. Nếu bạn muốn được lắng nghe, hãy nói thẳng luôn từ đầu là cần được lắng nghe, không cần phán xét. Nếu người ấy không thể đáp ứng cho bạn thì thôi, tìm người khác.

Và phía bên kia, có khi họ kể lể cũng chỉ vì bản thân họ cũng có những vấn đề, chứ không phải là có ý xấu. Hãy xem xét mức năng lượng của bạn, để xem bản thân có thể tiếp tục nói chuyện hay không. Nếu không, hãy báo cho người đó biết, và cáo lui.

Còn rủi thay, nếu như cả hai bên đều chất chứa những đau buồn, ngồi im lặng cùng nhau thôi cũng được. Nếu quyết định mở lời, hãy nhớ mang trong mình một tâm thế vô tư.


*Bài kiểm tra ma cà rồng là cách mà Austin Kleon gọi tên cho phương pháp của nhà điêu khắc người Rumani Constantin Brancusi. “Đó là một cách đơn giản để biết bạn nên giữ ai, loại ai ra khỏi cuộc sống của bạn. Nếu sau khi gặp gỡ ai đó mà bạn cảm thấy mệt mỏi và kiệt sức thì người đó đích thị là ma cà rồng.” Trích từ cuốn sách Show Your Work! của ông.