Trưa hôm kia, vừa thi xong tôi chạy thể dục xuyên Công viên Thống Nhất vì có cái hẹn. Nói là thể dục nhưng cũng bất đắc dĩ vì tưởng hẹn ở gần mà vứt xe lại ở trường thôi.
Tập tễnh trên đôi giày kony, thứ chắc chắn không phải dùng để chạy, tôi lê lết gần 3 km giữa trời nắng. Tối về sưng cả chân nhưng vẫn vui. Vì là định gặp một người, nhưng té ra lại còn được gặp thêm nhiều người nữa. Đường quay lại, vì đi bộ mà tôi được một cậu bạn chở về trường. Chúng tôi lại đi xuyên công viên để quay lại chỗ bạn gửi xe, và nhân cái lúc đi bộ ấy tôi hỏi chuyện và biết được nhiều thứ hay ho. Bạn là một trong số ít những người đang hoạt động trong bộ môn krump tại Việt Nam.
“Nhìn chung thì bây giờ krump vẫn chưa phát triển ở Việt Nam. Ngày trước, tôi nhảy ở ngoài đường tôi cũng ngại khủng khiếp. Nhưng mà giờ thì hết rồi. Tôi xác định luôn: Mình chỉ nhảy thôi, chứ mình có làm gì người khác đâu. Thế là quen. Nhưng hồi ở Hải Phòng, tôi thậm chí còn bị người ta đuổi chỉ vì đứng nhảy ở dưới sân.”
“Hả? Tại sao lại đuổi?”
“Vì là kiểu mình nhảy krump, mình bật nhạc krump. Mà cái nhạc krump, ai không biết thì sẽ cảm thấy là nó khó nghe ấy…”
“Ừ cũng đúng nhỉ. Không chỉ nhạc mà xét về động tác, người không biết như tôi chẳng hạn, cũng thấy nó có gì đấy hơi gây hấn, bạo lực các kiểu. Nên là cũng chẳng trách sao mà nhiều người họ đánh giá nó khá cực đoan.”
Thể loại Krump được phát triển từ một phong cách nhảy của thập niên 90 được gọi là “Clowning”, do Thomas Johnson (Tommy the Clown) sáng tạo. Nó sớm trở thành một trào lưu mạnh mẽ và thu hút rất nhiều vũ công trẻ. Clowning trở nên cực kỳ phổ biến trong giới trẻ Los Angeles thời bấy giờ.
Cần lưu ý rằng, vào thập niên 90, Los Angeles là một thành phố nổi tiếng với tỷ lệ tội phạm cao. Những người trẻ tuổi da màu phải sống trong những cộng đồng đầy rẫy bạo lực băng nhóm, ma túy và tội phạm ngày nay qua ngày khác.
Nhảy múa mang đến cho họ một lối thoát để bộc lộ bản thân và là một hình thức giải thoát tạm thời khỏi bạo lực hàng ngày mà họ phải trải qua.
Vào những năm 2000, Ceasare Willis (Tight Eyez) và Jo’Artis Ratti (Big Mijo) đã phát triển “Krumping” từ nền tảng của “Clowning”. Ban đầu, hai vũ công này là thành viên trong nhóm của Tommy the Clown. Tuy nhiên, phong cách nhảy của họ quá khác biệt với Clowning, nên hai người này đã sớm tách ra và phát triển thể loại riêng.
Không giống như Clowning, vốn chủ yếu là một điệu nhảy vui vẻ và nhẹ nhàng, Krumping trưởng thành, hung dữ và sắc sảo hơn đáng kể.
“Văn hoá chuẩn của bọn tôi nhé, ấy là khi nhảy nghĩa là bọn tôi đang cầu nguyện. Bạn hiểu đơn giản thôi: Là mình nhảy với mong muốn những cái tốt đẹp nhất bồi đắp vào đức tin của mình. Bộ môn này có nguồn gốc từ Thiên chúa giáo, người ta nhảy là để cầu cho chúa. Đến khoảng những năm 2000 thì nó bắt đầu phổ biến hơn, cả những người không theo đạo cũng nhảy.”
“Ồ. Nhưng có phải là tất cả krumper có chung một niềm tin không? Hay là niềm tin ấy với mỗi người là khác nhau?”
“Với mỗi người thì khác nhau chứ! Như tôi thì… Tôi tin vào chính bản thân mình.” Anh bạn quay sang nhìn tôi, cười toe toét.
Từ “Krump” được cho là bắt nguồn từ lời bài hát của một bài hát thập niên 90. Đôi khi nó được viết tắt là K.R.U.M.P., là một từ viết tắt ngược cho “Kingdom Radically Uplifted Mighty Praise” (xin phép anh em, tôi không dịch vì quá khó!), nhấn mạnh cho việc đây là một thể loại nhảy dựa trên đức tin.
Đối với nhiều dancer, krump không chỉ là một phong cách nhảy, mà là chính hơi thở sự sống của họ. Xét trên những bối cảnh chính trị xã hội, không quá khó để hiểu krump đã là bệ phóng cảm xúc cho những đứa trẻ lớn lên trong khu phố đầy bạo lực, thay thế cho con đường gia nhập băng nhóm bằng niềm đam mê và cộng đồng.
Những người ngoài cuộc hay nhìn krump với ánh mắt lo ngại, cho rằng nó hung hăng và mang tính chiến đấu. Nhưng các krumper không hề nhảy để đánh nhau. Những va chạm, đẩy ngã trong khi nhảy chỉ là một phần của điệu nhảy, không hề mang tính thù địch.
Ở đâu đó trong sự bùng nổ của krump, có lẽ những vũ công cũng tìm thấy sự an toàn và gắn kết mạnh mẽ cho chính mình. Tôi thiết nghĩ, điều đó lí giải vì sao krumper khi tề tựu với nhau lại nhận họ là một Fam, thay vì là một nhóm hay một crew.
*Xin cảm ơn bạn Nguyễn Quang Huy aka. “Tripman” (LionHeart X ILL St. Fam), người đã làm xế chở tôi về Bách Khoa, cũng như “khai sáng” cho tôi về bộ môn bạn đang theo đuổi.
Một vòng Google và lùng sục tư liệu tham khảo, tôi đã được thuyết phục rằng điều bạn nói là đúng. Lịch sử hay nguồn gốc của Krump nhìn chung khá thống nhất giữa các nguồn với nhau. Tôi xin liệt kê dưới đây một vài địa chỉ mà bạn đọc quan tâm có thể tìm hiểu thêm.