gắng gượng mở đôi mắt sưng vù sau một đêm chập chờn không sâu giấc, tôi nhận ra mình lại bị đẩy trở về thực tại: ấy là tôi đã khóc sùi sụt suốt thời gian qua, sau một chuỗi những ngày thi biết-ngay-kết-quả mà kết quả thì quá sức tồi tệ so với những gì tôi đã bỏ ra để cố gắng. dĩ nhiên là không chỉ có chuyện thi cử – nhưng bản thân nó là giọt nước tràn li – nửa năm trở lại đây tôi đã trải qua khá nhiều chuyện, mà tôi sẽ kể trong một dịp khác thích hợp hơn.
nhìn lên trần nhà xám xịt, tôi bất giác rơi vào hiệu ứng Truman*: nếu như có ai đó đang nhìn vào giây phút này của cuộc đời tôi, có lẽ họ sẽ nghĩ rằng tôi đang bù lu bù loa vì một điều quá sức tầm thường so với cả đời người. có thể một, hai năm nữa, hay sớm hơn là vài tháng nữa, nỗi buồn này sẽ nguôi ngoai và chẳng còn là thứ gì quá to lớn. có thể là tôi sẽ quên nó đi, hoặc vẫn nhớ nó nhưng nó đã thu nhỏ lại và không còn quan trọng như lúc này. có thể là tôi còn tự cười được chính bản thân vì đã quá buồn đi.
nhưng đấy là chuyện của sau này. còn giây phút hiện tại, tôi biết là chỉ có mình ngồi với nỗi buồn này mà thôi.
nhiều năm về trước, một người bạn của tôi hỏi tôi nghĩ gì khi trải qua những nỗi đau. trước đấy tôi chẳng nghĩ gì mấy về vấn đề này. vậy mà, trong một trạng thái bình bình không mấy tâm trạng, tôi vẫn nhắn lại cho nó một sớ chữ dài ngoằng. đại ý như thế này:
“tao nghĩ rằng nếu như ví đời như một con đường, thì chông gai như đá chắn lối đi: ở thời điểm mày gặp nó, thì hòn đá ngay ở trước mắt mày, nó to lớn, nặng nề và cản trở khủng khiếp. rồi mày tìm cách vượt qua nó. sau đấy mày đi được một đoạn rồi, ngoái lại nhìn thấy hòn đá cứ ngày một nhỏ dần đi và khuất xa tầm mắt. biết thế, nhưng cái khó là ở thời điểm hiện tại, nếu có đá thì nó vẫn cứ to, nặng nề và cản trở. còn để cảm thấy nhẹ nhõm hơn, ấy vẫn là một khi nào khác sau đó.”
khi đi xa hơn về tương lai, hay khi nhìn tổng thể được cả đời người, chúng ta sẽ nhận ra thứ gì là lớn, thứ gì là nhỏ. một nỗi đau trong hiện tại, khi đã đi qua một khoảng đáng kể, dù ít dù nhiều cũng nguôi ngoai hơn so với ngay lúc này. nhưng thế lưỡng nan nằm ở đó: khi ta ở trong hiện tại thì ta chẳng đi đâu được nữa cả. có lẽ là cho tới khi người ta phát minh ra được cỗ máy thời gian – lúc ấy ta có thể đi đi về về trên trục t cuộc đời như việc đi tàu từ Bắc vào Nam, hay nhìn được tổng quát mọi thứ như cái cách người ta vẫn thích được bay lên cao hơn, để thấy thế giới bên dưới mình và cả những nỗi niềm trong nó phần nào nhỏ bé hơn.
tôi chẳng rõ cái “người ta” trong câu tiếp theo đây, liệu trong số họ có ai đó biết điều này hay không, hay họ biết nhưng từ chối không hiểu: rằng người ta vẫn khuyên, hãy nghĩ về những điều tốt đẹp. tìm về quá khứ, ngó đến tương lai, nhớ lại những lúc vui vẻ hay nuôi hy vọng cho ngày mai. hãy nghĩ rộng ra, đời còn dài, còn nhiều điều đáng mong chờ.
còn tôi ở đây để nói với bạn, rằng đôi khi có những niềm đau nó lớn lắm, nó choán hết tâm trí của bạn, chẳng phải vì một giây phút nào đi khỏi hiện tại mà trốn tránh nó được. bạn chẳng còn cách nào khác, chỉ còn cách đối diện với nó mà thôi. giống như cố gắng nín thở để sống sót khi bị dìm xuống nước, cảm thấy khó chịu lắm, mệt mỏi lắm, nhưng phải bền bỉ. cố qua đoạn này. rồi sau đó bắt đầu lại dần dần, tiến từng bước mà đi.
một lần hiếm hoi trong suốt hơn 3 năm qua, tôi khóc đến mức không thể ngồi thiền nổi. có lẽ các bậc chân nhân có một cách nào đó để khiến cho hòn đá tảng trước mặt họ không to như-cái-cách-nó-là, nhưng tôi thì vẫn chưa tìm ra điều ấy.
biện pháp cách làm của tôi hiện tại, phải chăng, có lẽ cũng chỉ là những điều đơn giản, nhưng trong những lúc như thể này, đôi khi rất khó để thực hiện. cố gắng gìn giữ những thói quen tốt. tự chăm sóc cho mình. vớ một ai đó để tâm sự. viết thật nhiều. và hồi phục theo cách riêng của bạn.
*Hiệu ứng Truman: Lấy từ bộ phim The Truman Show. Nhân vật chính của bộ phim này, Truman, bị biến thành một nhân vật chính trong chương trình thực tế 24/24 về cuộc đời anh mà anh không hề hay biết. Từng giây từng phút trong cuộc đời anh đều được ghi lại bởi hơn 5000 máy quay, được bố trí trên khắp hòn đảo nơi anh sinh sống.