Người được chọn

Glenn Gould. © Fred Plaut/Sony Music Entertainment

Một tuần trước thềm vở diễn thinh(g): Đối thoại với không gian, tôi lết lê thân xác đầy thương tích mò đến nhà một anh bạn bác-sĩ-kiêm-dancer của nhà những-ngọn-lửa-cuối-cùng**, chuẩn bị cho một sự chẩn đoán không mấy khả quan. Ngoài chuyện “nhảy là một hành trình không cẩn thận là bằng với tự đập phá bản thân”, tôi với anh còn chém gió thêm nhiều chủ đề khác nữa, mà thực ra format chủ yếu theo kiểu tôi tra khảo – anh trả lời, nhưng cuối cùng thì vẫn thảo luận được nhiều chủ đề hay ho. Chúng tôi nói nhiều về những sự lựa chọn trong đời, về câu hỏi liệu hai chữ “làm được” có nằm ở cuối con đường phấn đấu hay không.

You can’t connect the dots looking forward; you can only connect them looking backwards. So, you have to trust that the dots will somehow connect in your future.

(Ta không thể xâu chuỗi sự kiện khi nhìn về phía trước; mà chỉ có thể làm điều đó khi nhìn ngược lại quá khứ. Vậy nên ta phải tin, những dấu mốc của cuộc đời ta, rồi sẽ kết nối với nhau bằng cách nào đó trong tương lai.)

— Steve Jobs

Thời gian gần đây, tôi cảm nhận được một điều rõ ràng đang trở đi trở lại và chứng minh rằng nó đúng với cuộc sống của tôi, ấy là đôi khi cái người ta cần phải có để đi tiếp chỉ đơn giản là một niềm tin. Niềm tin ấy có thể mù quáng. Có thể không có cơ sở. Có thể cực kì vô lý. Nhưng phải tin. Tin để đi được tới ngày mai. Tin để duy trì nỗ lực chưa cho ra kết quả. Một điều đơn giản. Nhưng khó.

Trước đây, tôi bấm bụng, bảo Jobs thành công thế rồi thì nói gì chẳng được. Nhưng giờ thì tôi lại nghĩ, có khi chính vì Jobs tin như thế, nên ông mới vươn được tới những khả năng xa hơn. Không phải cứ có niềm tin ấy là sẽ chắc chắn thành công, nhưng nếu không có nó thì ắt bị loại khỏi cuộc chơi sớm. Nó không là điều kiện đủ, nhưng là điều kiện cần cho những đích đến trong đời.

“Thực ra, đối với anh bây giờ, thành công hay không cũng chẳng còn nhiều ý nghĩa nữa.” Anh nói. “Thời gian rồi cũng xoá nhoà mọi thứ. Quan trọng là em có được làm điều mình thích hay không.”

Nghe thật là súp gà*. Tôi chưa kịp phân bua thêm gì thì anh lại nói tiếp. “Nếu em muốn một điều gì đó, chẳng còn cách nào khác là em phải cố gắng hết mình cho nó. Rồi em sẽ đạt được nó, hoặc không. Nhưng rõ ràng là nếu em không đi hết, không thực sự phấn đấu, thì hiển nhiên là em sẽ không có được điều mà em mong muốn.

Anh đồng ý là đôi khi mọi thứ giống như một ván bài. Không phải cứ cần cù miệt mài thì chắc chắn là đạt được. Nhưng em không biết được liệu mình có là người được chọn hay không, cho tới khi em đi hết cả quãng đường đặt ra cho một kẻ có tiềm năng như thế.”


Điều anh nói bỗng nhiên làm tôi nhớ đến một người thầy: Thầy Craig Wright từ Đại học Yale. Tôi học thầy từ khoá học Introduction to Classical Music, một trong những khoá học MOOC nổi tiếng nhất về nhạc cổ điển. Giờ thì tôi chẳng nhớ lắm Middle Ages, Renaissance với Baroque bắt đầu và kết thúc vào ngày tháng năm nào, song sự buồn bã có phần chua chát của thầy phảng phất trong những lần thị tấu làm tôi ấn tượng mãi.

Một chiếc note siêu cute của tôi, từ một tiết học tấu hài kinh khủng khiếp 🤣

Thầy Craig đã dành phần lớn thời gian của đời mình luyện tập để trở thành một nghệ sĩ dương cầm chuyên nghiệp. Nhưng tới những ngày tháng cuối cùng của trường nhạc, thầy đã không vượt qua được cột mốc quyết định. Sau đó là một thời gian dài để học cách chấp nhận, và rồi chúng ta có vị giáo sư Wright như bây giờ.

Trong suốt hơn hai thập kỷ, thầy Craig mải miết đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Cái gì làm nên một thiên tài? Rõ ràng là với cuộc đời của thầy – sự chăm chỉ, tài năng và chỉ số thông minh – đã được chứng minh là chưa đủ để tạo nên một huyền thoại. Khi gập lại những trang sách cuối cùng “The Hidden Habits of Genius” do thầy chắp bút, tôi mới hiểu đầy đủ hơn về bức tranh tổng thể, và thở phào, vì đây có lẽ cũng là hai chữ “chấp nhận” thoả đáng đối với cuộc đời thầy.

A person of talent hits a target that no one else can hit; a person of genius hits a target that no one else can see.

(Một người có tài năng có thể bắn trúng một mục tiêu không ai khác có thể bắn được. Nhưng một thiên tài thì có thể nhắm được một mục tiêu mà không kẻ nào có thể nhìn thấy.)
– Craig Wright, The Hidden Habits of Genius: Beyond Talent, IQ, and Grit—Unlocking the Secrets of Greatness

Với dương cầm, người ta hay nói về một thứ giải phẫu tay lý tưởng để làm nên một nghệ sĩ tuyệt vời. Nếu bạn không có nó, hãy xác định luôn là bạn có 10,000 giờ hoặc hơn nữa thì cũng chẳng bằng được người có bàn tay ấy. Nhưng vấn đề ở đây là chẳng có một câu trả lời cụ thể về việc thế nào là một giải phẫu lý tưởng. Bạn chẳng bao giờ biết mình đã được trời cho một bộ gene tuyệt vời cho việc chơi dương cầm hay không, trừ phi bạn đến được một trình độ thực sự cao.

Nói cách khác, bạn không thể biết mình có là người được chọn hay không, trừ phi bạn cố gắng hết sức mình, một nỗ lực không thua kém gì với những người đã có thể vươn đến đỉnh cao.


*Súp gà, cách nói vắn tắt châm biếm về dòng sách self-help. Cụm từ này xuất phát từ thương hiệu Súp gà cho Tâm hồn (Chicken Soup for the Soul), là công ty phát hành bộ sách nổi tiếng “Hạt giống tâm hồn”, hiện tượng self-help nổi tiếng thế giới.

**Xin cảm ơn anh Vũ Điệp Anh aka. Bác sĩ Điệp từ Last Fire Crew, người đã nắn bàn tay trật cổ và hầu chuyện cho tôi suốt hơn một tiếng đồng hồ.