Trả giá cho nghệ sĩ

black female artist with painted vase in creative room

Thỉnh thoảng mình lại bắt gặp hoặc nhận được những lời booking trời ơi đất hỡi. Đa phần đều có format như thế này: “Chúng mình cần bên bạn biểu diễn/ đi show/ biên đạo, trong x tiếng, cần y người, chủ đề về blah blo… Nhưng vì bên mình (insert lí do tại đây) nên budget chỉ trong khoảng…” Hoặc chốt giá rồi thì đòi diễn thêm mấy bài nữa, với tổng giá tiền vẫn phải như ban đầu!

Chuyện ra giá và trả giá không phải là điều gì lạ lùng, miễn là cả hai bên đều thuận mua vừa bán. Nhưng những lời đề nghị mà mình nói ở trên đây thường đưa ra yêu cầu với cái giá vô lý đến độ – mình không thể không nghĩ – các bạn cho rằng trên đời này nghệ sĩ chỉ hít khí trời, uống nước mưa, làm việc “vì đam mê”.


Bạn đã từng nghe câu chuyện “Vạch phấn 10.000 đô”?*

Ngành nghệ thuật giống với đa phần các ngành trí thức khác ở chỗ kết tinh lao động không phải lúc nào cũng là thứ hữu hình. Cái duy nhất nhìn thấy được là sản phẩm cuối cùng. Nó là bản vẽ hoàn chỉnh trong khung, là buổi biểu diễn chính thức trong nhà hát, là tiết mục văn nghệ chỉ vài phút trên sân khấu.

Nhưng để đến được cái đích đó, người làm phải trải qua một quá trình dài khổ luyện lẫn lao động vất vả. Làm được một vở múa 30 phút cần đến mấy tháng trời. Viết nên một kịch bản cần nghiên cứu đến mấy năm. Và để hát được, múa được, vẽ được, cũng là những nhiều-chục-năm mài mông ở trên giảng đường, trong studio, ngoài phố phường biển núi. Liệu người ta đã được nhìn thấy đủ nhiều, chia sẻ đủ nhiều, quan tâm đủ nhiều – để có mong muốn hiểu và thực sự hiểu được điều đó?

Đó có lẽ cũng là cái khó khiến cho đồng lương nghệ thuật không được đánh giá đúng ở nhiều nơi, trong đó có Việt Nam.

Mình đi xem nghệ thuật và làm nghệ thuật cũng đã được ít lâu, chẳng thiếu những lần nghe người ta nói mấy câu như “Bọn nghệ sĩ này chỉ lên hát/ diễn có vài phút mà kiếm tiền triệu, lấy đắt thế chắc đứa nào cũng giàu.” Kêu đắt vì chỉ đặt lên bàn cân tổng giá tiền và mỗi phiên bản động từ của cái thành phầm (ngân nga mấy khổ nhạc/ khua tay múa chân/ nói mấy câu này kia…). Họ không đào sâu tìm hiểu, không cảm nhận được đến tầng sâu hơn, và có lẽ cũng không có đủ nhiều trải nghiệm nghệ thuật. Họ chẳng tính đến tiền đi lại, trang phục, thuốc men, makeup, ăn ở, quản trị rủi ro cho người nghệ sĩ!

Anh Linh 3T bày tỏ quan điểm về vụ “bốc phốt” booking giá bèo của chị Linda Triệu. Nguồn**: Văn hoá đường phố

Tư duy như vậy, chẳng trách sao có những màn booking “ngã ngửa” đến vậy!

Dĩ nhiên câu trả lời luôn là “không” cho những booking như thế. Chỉ sợ những bạn còn mới vào nghề, bị bầu sô đểu “thao túng tâm lý” theo nhiều kiểu, hoặc là bảo bạn không biết giá, làm việc không chuyên nghiệp, hoặc là bảo bạn chảnh, hoặc là bảo bạn không có lòng “thương lấy” chương trình của họ, đội book chỉ toàn học sinh sinh viên nên còn “nghèo”… mà bấm bụng chấp nhận cái giá rẻ mạt. Bạn nhận kèo ấy, người được lợi chỉ có họ, lương của bạn chẳng đủ để chi trả cho đủ thứ khấu hao, lại còn phá đi công sức của cả một cộng đồng đang gây dựng vị trí cho những người nghệ sĩ chuyên nghiệp.


Bước vào một cửa hàng, con người ta tối thiểu cũng phải tính được mình có bao nhiêu tiền trong túi để mà lựa món đồ mình có khả năng mua. Đồ ăn thức uống, quần áo, nhà cửa, xe cộ,… thứ gì cũng vậy. Chẳng ai bảo 10 nghìn 3 miếng, đồng ý rồi, lại đòi cho tôi thêm mấy miếng nữa đi. Không cho thì… thao túng tâm lý chủ tiệm. Bảo người ta bán đắt, ki bo, không thương lấy người nghèo!

Chúng ta cũng đã có thể hiểu được giá trị của những chuyên gia công nghệ, y dược, điện tử, vận hành… song nhận thức tương tự về những người nghệ sĩ vẫn còn nhiều thiếu sót!

Anh Việt Max cũng đã từng đề cập đến vấn đề này nhiều năm về trước. Nguồn**: Văn hoá đường phố

Nếu bạn là người làm sự kiện, hãy xem xét dự trù chi phí và tài trợ xin được của mình, book nghệ sĩ phù hợp với yêu cầu hợp lý. Đừng trả người ta vài trăm nghìn đến vài triệu đồng mà bắt người ta đứng diễn từ sáng tới đêm.

Những người nghệ sĩ hãy chú trọng đến làm sáng tạo sao cho chỉn chu, tử tế. Không “ảo giá” quá đà, nhưng cũng tuyệt đối đừng bán rẻ nghệ thuật!


** Văn hoá đường phố – BBoy Linh 3T đả kích “Bầu sô đểu”, kêu gọi các dancer giá rẻ nên bỏ nhảy

*Đây là một giai thoại giữa hai nhân vật nổi tiếng của nước Mỹ, Henry Ford và Charles Proteus Steinmetz. Câu chuyện này còn có nhiều biến thể hư cấu khác.

Một chiếc máy phát điện cỡ lớn tại nhà máy Ford ở Dearborn, Michigan, bị hỏng mà không ai xử lý được. Người ta bèn vời đến Steinmetz. Khi đến nơi, Steinmetz đã từ chối mọi sự giúp đỡ và chỉ yêu cầu một quyển sổ tay, bút chì và cái võng. Steinmetz lắng nghe cỗ máy phát và tính toán nguệch ngoạc lên tập giấy trong suốt hai ngày đêm liền. Vào đêm thứ hai, ông đòi một cái thang, trèo lên máy phát và dùng phấn đánh dấu ở một bên. Sau đó ông bảo các kĩ sư của Ford tháo tấm che ở chỗ đánh dấu và thay thế 16 cuộn dây kích từ. Họ đã thực hiện theo như vậy và cỗ máy lại chạy ngon lành.

Henry Ford cảm thấy phấn khởi cho đến khi nhận được hoá đơn đề nghị thanh toán 10.000 USD cho General Electric, nơi Steinmetz làm việc. Ford biết việc Steinmetz làm được, nhưng chần chừ với con số thanh toán. Ông đòi có hoá đơn ghi rõ từng khoản mục. Steinmetz sau đó đã trả lời yêu cầu của Ford như sau: Đánh dấu phấn lên máy phát điện 1 USD. Biết chỗ để đánh dấu 9.999 USD. Ford đã trả tiền cho hoá đơn.
(Nguồn: Otofun News)