💡 Bài viết này thuộc chuỗi những bài học và chiêm nghiệm lớn trong năm 2023 với hành trình luyện tập nhảy-múa của mình, đồng thời là một phần của Behind The Scene của hai vở múa hiện tại mình đang tham gia, bao gồm “NHÂN” – Vở múa thường niên từ Kinergie Studio; và “thinh(g)” – Một vở múa đương đại trong không gian triển lãm “Thuỷ Triều Cảm Xúc” của Chiharu Shiota tại VCCA.
Cả hai vở đều diễn ra vào tháng 11, lần lượt là các ngày 11/11 và 25/11 tới đây. Thân mời các bạn đến xem.
Trong anime Welcome to the Ballroom, nhân vật Chinatsu lần đầu tiên xuất hiện với tuyên bố thẳng thừng tới nhân vật chính: “Ballroom* ư? Tôi hoàn toàn không có hứng thú gì với bộ môn đó cả.”
Trong khi con người cô toát ra đủ dấu hiệu, những thứ quá rõ ràng để người ta biết cô là một người đã đi nhảy lâu năm.
Nhân vật loại này là một mô-típ tương đối phổ biến trong anime: Một mặt họ đã/ đang có thời gian luyện tập, thực hành bộ môn (thường là cũng rất căng); mặt khác luôn khăng khăng chối bỏ và tỏ ra không quan tâm về bộ môn ấy với những người không quen biết họ.
Nguyên nhân cho biểu hiện như vậy thường được lí giải bởi một động cơ cá nhân, hay phổ biến hơn, là những “sang chấn”, những tổn thương lớn mà họ nhận phải trong quá khứ khi tập luyện, dù là thể chất hay tinh thần.
Nếu như thí sinh ballroom thường đi theo đôi nam nữ, thì bạn nhảy của Chinatsu trong suốt nhiều năm lại là một cô gái nữa, một người bạn từ thuở bé tên Akira. Người nam thường sẽ là người lead, và người nữ sẽ follow – tuy nhiên, giống như cách một mối quan hệ khoẻ mạnh vận hành – thì cũng sẽ có lúc hai người đổi vai trò cho nhau.

Tuy nhiên, Akira lại là một cô gái ưa thích được dẫn dắt, đến độ phụ thuộc hoàn toàn vào người bạn nhảy của mình. Cô có phần ích kỷ, luôn đòi hỏi Chinatsu để có được sự chú ý của cô bạn về mình. Kết cục là Chinatsu liên tục phải gồng mình lên làm lead, cố gắng để đáp ứng cho nhu cầu của bạn nhảy. Chinatsu luôn lead và Akira luôn follow.
Mệt mỏi vì quá trình ấy, sau nhiều năm, mâu thuẫn xảy ra, Chinatsu cuối cùng rời bỏ sàn đấu.
Để đến khi cặp với Tatara (nam chính), Chinatsu hoàn toàn không biết cách để “nghe theo” bạn nhảy nam đầu tiên của cô.
Những tháng tập vở gần đây, mình suy nghĩ về cảm giác này ngày một nhiều.
Trong tập thể hiện tại, khi nhận một đề bài từ biên đạo, mọi người luôn luôn có xu hướng “chỉ định” cố định một người làm cái gì đó khi cho rằng: hoặc là họ sẽ làm thứ đó tốt nhất, hoặc là họ sẽ giúp cho những người khác làm được thứ đó một cách dễ dàng nhất. Ví dụ như:
- Thay vì nói “bạn lên, tôi bê” và đổi ngược lại để tất cả đều được tập cả hai cảm giác; mọi người hỏi “Ai là người nhẹ nhất/ nhẹ hơn?” Người được cho là nhẹ sẽ luôn được bê, và người nặng hơn sẽ luôn phải bê người khác.
- Thay vì tập luyện, khi được giao làm một tính chất chuyển động, mọi người hỏi: “Ai là người vốn dĩ đã hay làm cái này/ Cái này giống với ai nhất?” rồi chỉ luôn cho người đó làm.
- Có đoạn tổ hợp cần vào với nhau cho đều, nhiều người không chịu học đếm nhịp cho tử tế, làm lệch nhau rồi lại quay ra kêu người này người kia lệch, mất nhiều thời gian tranh cãi mà chẳng đi đến đâu. Quay ra tính kế để người này nhìn được người kia, giao thêm trọng trách “chữa cháy” cho một số người nhất định. Ai đếm được nhịp thì người đó phải lead mãi.
- Có những khuyết điểm bản thân một người cũng tự biết rõ, nhưng thay vì tập để khắc phục, họ đòi biên đạo thay đổi đề bài, hoặc muốn được giao một phần việc khác.
Công bằng mà nói cách tiếp cận này là tối ưu khi nguồn lực có hạn, thời gian có hạn, và kĩ năng cá nhân cũng có hạn. Nhưng về lâu về dài, đây không thể là nước đi tiến tới sự phát triển.

Tất cả chỉ biết làm cái bản thân vốn đã biết làm. Khuyết điểm đi cùng từ vở diễn năm trước, tới năm nay vẫn kêu một câu tương tự. Những tưởng là “chuyên môn hoá” thì ai cũng tốt hơn cái họ đã làm, nhưng thực ra cũng không phải: Người ta phải ít nhiều tham gia các vai trò của quá trình để có thể làm nó tốt nhất.
Giống như việc để làm quản lí tốt, người ta thường bắt đầu từ chuyên môn để có thể hiểu việc. Chứ không ai chỉ làm quản lí từ ngày đầu tiên đi làm (thực tế thì chả ai cho) tới ngày cuối mà làm xuất sắc nhiệm vụ được cả.
Một người suốt ngày được bê không bao giờ hiểu nổi cảm giác phải bê người khác là như thế nào, để mà biết dậm chân lấy đà, đi vào sao cho không lỡ nhịp người bê, lên xuống sao để tạo điều kiện cho bạn múa không bị nặng.
Một người suốt ngày đi bê cũng không thể hiểu vì sao lại cần phải đưa bạn múa lên cao hơn để cho người ta không gian chuyển động, đưa vào thế nào để người được bê tạo ra cái hình đẹp nhất, hay thả xuống làm sao để an toàn cho đôi bên.
Ở phòng tập, mình luôn luôn được giao là người bê vác, là người lead trong đôi, là người thể hiện các chất liệu nhanh – giật – gồng, hay có màu của thể loại khác.

Luôn luôn. Và nếu bạn hỏi, thì đúng là việc luôn phải là người lead thực sự khiến người ta mỏi mệt. Nhưng cái gì là bất đắc chí nhất? Là để giỏi hơn thì bạn phải làm được cái bạn còn yếu, nhưng bạn hoàn toàn không có cơ hội làm điều đó!
Cái khiến mình mệt nhất trong phòng tập không phải là cái mệt thể chất.
Cái mệt nhất, là khi phải đến phòng tập mà bạn tập thì chẳng tập mấy, chỉ đứng nói là chính. Biên đạo giao một đề bài, không đứng vào để thử, để làm, xem mình làm được cái gì, mà chỉ đứng và hỏi, “nhỡ…” thế này thế kia đến cả tiếng đồng hồ. Thay vì múa tay múa chân lại đi múa… bằng mồm. Cơ bắp thì lạnh hết mà đầu óc thì mệt mỏi.
Nguyên nhân cho điều này, mình nghĩ một phần đến từ suy nghĩ và cách làm “đóng hộp” trên kia. Giống như một người đã ấn định bản thân mình đi cùng với một cái tên/ chức danh, đứng trước một thử nghiệm mới, họ bị cản trở bởi đủ thứ: sĩ diện, lo lắng, nghi ngờ, bất an… Vì “đó không phải là kiểu của tôi”!
Khi người ta đã làm quá lâu một vai trò, họ quên rằng bản thân mình còn có thể trở thành thứ gì khác.
Ví dụ như trong đời sống: Một cô gái từ nhỏ đến lớn, vì hoàn cảnh gia đình mà phải luôn đứng ra nhận vai trò chu cấp, lo toan, tới lúc cô bước vào một mối quan hệ, hoàn toàn không biết thế nào là để người khác săn sóc cho mình. Có khi cô còn quên luôn bản thân mình là con gái!
Dù là ở đâu, con người ta vẫn phải học lại từ đầu. Và quá trình này hoàn toàn không dễ dàng.
Nói đi cũng phải nói lại, để có được cái đầu mở không phải là chuyện một sớm một chiều. Điều đó cần thời gian.

Chỉ một năm trước đây, mình đã nghĩ mình sẽ không bao giờ đi học ballet, vì cho rằng “bản thân mình không điệu đà, bánh bèo, nữ tính”. Tập vào rồi mới biết ballet cũng chỉ đơn giản là một bộ môn múa, và chỉ cái “hình” của nó cho mình cái nhận định về sự điệu đà trên kia. Còn trong lớp học? Vẫn là kỉ luật, sự chăm chỉ, nhẫn nại, cố gắng từng chút một, thay đổi và học hỏi – con người nào, tính cách ra sao, giới tính gì – cũng đều phải như vậy cả. Đằng sau hình ảnh thướt tha, thực ra lại là một tấn thể lực…
Hợp hay không hợp, chỉ bước vào và thử mới cho ta câu trả lời chính xác!
*Competitive Ballroom Dance (hay tên mới và thường gọi hơn là Khiêu vũ thể thao/ Dancesport). Ballroom Dance có nguồn gốc từ chữ Ballare của Latin, và nó có nghĩa là “khiêu vũ” (to dance). Hầu hết các điệu nhảy ballroom đều có xuất xứ từ châu Âu, vốn thường được tổ chức trong các buổi lễ tiệc hoàng gia của tầng lớp quý tộc.
Bộ môn này đã được hầu hết các nước trên thế giới chấp nhận và đã có tổ chức thống nhất trên quy mô thế giới – IDSF (International Dancesport Federation).