10 lí do khiến mình (và có thể là bạn) mất ngủ

woman in white long sleeve shirt sitting on a bed

Tổng hợp kinh nghiệm từ bản thân & nghiên cứu cá nhân. Đây chỉ là chia sẻ, vui lòng tham khảo tư vấn y tế từ chuyên gia của bạn.
Nội dung bài viết này có tham khảo từ cuốn sách “Why We Sleep” của Matthew Walker.

1. Bấm điện thoại.

Ánh sáng xanh làm rối loạn cơ chế sinh melatonin, thứ hormone giúp bạn có thể đi vào giấc ngủ.

2. Vận động quá mạnh.

Vận động mạnh quá mức là khi bạn đưa nhịp tim của mình tới các zone 3-4, khi chúng ta phải gồng gắng rất nhiều, adrenaline tăng cao, cả cơ thể bắt đầu cơ chế đánh đấm sinh tồn.

3. Ăn no, ăn đồ ngọt, caffeine trước giờ ngủ.

Bộ máy tiêu hoá cần thời gian để hoạt động, và nếu bạn ngủ với cái bụng đầy thì nó sẽ không để bạn yên. Riêng đồ ngọt sẽ khiến cho bạn có “sugar rush”, cảm thấy hưng phấn đầy năng lượng, “high” tới độ khó mà nghỉ ngơi được.

4. Tắm đêm, tắm nước lạnh, hoặc tắm nước quá nóng.

Tắm đêm không tốt. Nhưng nếu bất đắc dĩ phải như vậy thì hãy đảm bảo bạn tắm nước nóng vừa phải.

Khi ta ngủ, nhiệt độ cơ thể giảm dần. Việc tắm cần phải giúp đưa nhiệt độ cơ thể đi theo quy luật ấy.

Nếu bạn tắm nước lạnh, cơ thể bạn sẽ tăng nhiệt lên để cân bằng lại. Nếu bạn tắm quá nóng, cơ thể sẽ lại vào trạng thái “alert” (đánh thức) như cái cách ta hay nói xông hơi cho tỉnh người, tiếp tục khiến cho ta khó ngủ. Hãy tắm nước nóng – vừa phải.

5. Môi trường ngủ chưa tốt.

Thường nguyên nhân này sẽ khá dễ nhận biết: Chúng làm bạn khó chịu. Có những yếu tố sau đây bạn có thể chuẩn bị hay điều chỉnh:

• Nhiệt độ phòng
• Ánh sáng
• Âm thanh
• Giường/ chăn/ gối/ nệm

6. Stress, cảm xúc mạnh, lo âu, suy nghĩ nhiều…

Cái này có lẽ không cần phải giải thích nhiều thêm. Một vài cách để bạn có thể thử:

• Thiền
• Viết ra/ nói chuyện/ chia sẻ
• Vận động nhẹ

7. Lịch sử giấc ngủ thất thường

Nếu bạn vốn ngủ không theo lịch nào cố định thì khả năng cao là giấc ngủ của bạn cũng đã có ít nhiều rối loạn. Chúng ta không thể kì vọng nó tốt lên ngay sau một đêm, nhưng nếu bạn cố gắng duy trì một lịch ngủ ổn định, cơ thể chúng ta có khả năng tự điều chỉnh lại để về với sự cân bằng.

8. Các vấn đề về tim mạch, hô hấp, thần kinh…

Khi ngủ, những cơ quan này nên hoạt động bình thường. Nếu chúng ta có bệnh lí hay chấn thương, việc rối loạn nhịp sinh học ở những cơ quan này sẽ khiến bạn cứ chuẩn bị rơi vào giấc ngủ rồi thì lại thoát ra.

Năm ngoái mình có một chấn thương ở ngực khiến cho nhịp tim và nhịp thở bị rối loạn, cứ chuẩn bị chìm vào ngủ là hẫng một cái, cứ như thể tim ngừng đập/ mất một nhịp thở.

Nếu là trường hợp này bạn hãy theo dõi và đi khám sớm nhất có thể.

9. Di truyền

Ca này thì khá là khó. Bạn hãy tìm đến sự trợ giúp của các chuyên gia y tế nhé.

10. Không có lí do gì cả 🤡

Đôi khi mình mất ngủ chỉ vì trước đó mình lo sợ bị mất ngủ, và kết quả đúng là như thế thật (T-T) Hãy nhớ là cho dù bạn không ngủ được, việc nằm xuống nghỉ ngơi cũng đã là giúp cho cơ thể phục hồi rồi.

Cứ bình tĩnh, rồi chúng ta sẽ khắc phục dần, bạn nhé.

In