Bạn đang ở trong lớp thực hành của một học phần tin học. Bỗng dưng bạn gặp phải một lỗi, một con “bug” khiến bạn vô cùng bối rối. Bạn đã thử đủ các cách mà bạn có thể nghĩ ra nhưng vẫn không giải quyết được vấn đề. Có vẻ như là một lỗi khá “khoai”. Bạn buộc phải viện đến sự trợ giúp mới mong có thể vượt qua được khó khăn lần này.
Bạn sẽ:
- Tra Google, đào bới cho đến khi ra thì thôi; hay
- Hỏi ngay thầy/cô, bạn bè?
“Tra Google trước khi hỏi đi em.”
Đây là câu nói mình được nghe nhiều nhất trong các diễn đàn, nhóm trao đổi về học lập trình nói riêng và học tập nói chung.
Lời khuyên này là dành cho những câu hỏi “vô tri” nhan nhản khắp trên Internet, tới từ những người học không chịu động não suy nghĩ. Những bạn này vừa mới nhận vấn đề, chưa kịp đọc cho kỹ, nghĩ cho thấu, đã đăng lên 101 những câu hỏi.
Đặc điểm chung của kiểu câu hỏi này? Tra Google là ra.
Do đó mới có nhắc nhở phía trên. Chúng ta cần phải chịu khó suy nghĩ một chút, làm phần việc tư duy của mình, sau đó không hiểu gì mới hỏi. Bởi vì:
- Bạn có thể tìm thấy câu trả lời ngay sau đó. Đỡ phải hỏi. Và người ta cũng đỡ phải trả lời, hay nhắc bạn hãy Google đi.
- Quá trình suy nghĩ giúp bạn hiểu rõ vấn đề hơn, và cũng giúp bạn nhận diện đúng thứ khiến cho mình vướng mắc. Khi đó bạn có thể đặt một câu hỏi tốt, đi vào trọng tâm. (Chứ không phải “Em không hiểu ở chỗ nào?” “… Tất cả ạ.”)
- Nó chứng minh nỗ lực và sự quan tâm của bạn tới vấn đề đó. Nếu bạn là người đi giúp đỡ, bạn sẽ muốn giúp một người thực sự cố gắng và mong muốn có được câu trả lời, chứ không phải một kẻ lười động não và chỉ muốn “ăn sẵn” lời giải. Đưa đáp án tới những người lười suy nghĩ thực chất là hại họ.
Về cơ bản, sau khi bạn đã làm phần việc của mình, hãy cho phép bản thân mình đi hỏi.
Tuy nhiên, ở xung quanh mình và ở chính bản thân, mình nhận ra lời khuyên này cũng có thể bị áp dụng sai đến mức cực đoan. Chúng ta cố và cố, chật vật với vấn đề của chính mình, nhưng ngại hay không dám tìm đến sự trợ giúp bên ngoài Internet.
“Chỉ một chút nữa thôi! Nếu như mình tiếp tục tìm kiếm, biết đâu lại tìm ra câu trả lời.”
Bạn có bao giờ rơi vào tình huống này chưa? Một vấn đề khiến bạn lục tung Internet lên, ngày này qua ngày khác, nhưng hoàn toàn không có hi vọng giải quyết được.
Hỏi một câu, lãi… một nùi!
Có những sinh viên nghĩ rằng việc hỏi thầy cô là biểu hiện của sự yếu kém. Các bạn nghĩ rằng những vấn đề khiến bản thân bế tắc hoàn toàn là do câu chuyện năng lực bản thân và phải tự thân giải quyết.
Nghe ấu trĩ thật. Nhưng những ngày đầu năm nhất, mình cũng đã suy nghĩ như vậy.
Mãi một thời gian sau đó, khi bắt đầu mở lòng và chịu khó hỏi han, mình mới nhận ra: Hỏi thầy cô thực sự tuyệt vời! Bởi vì:
- Nó cho thấy sự quan tâm của bạn tới học phần, tới chủ đề giảng dạy. Chẳng thầy cô nào lại “trù dập” một sinh viên nỗ lực để tiếp thu kiến thức cả.
- Có những vấn đề, khi tra trên Internet có thể cho kết quả, nhưng không hoàn toàn “khớp” với cái bạn đang gặp phải, do đó cách giải quyết hoàn toàn khác, không áp dụng được hay hoàn toàn vô dụng. Trong lớp học, thầy cô và bạn là những người đang trao đổi trực tiếp với nhau về vấn đề và hiểu rõ nó nhất. Vậy thì còn ai tốt hơn để bạn hỏi?
- Vì có một ngữ cảnh (context) tốt như vậy, nên thường thầy cô cũng đã đi qua những người sinh viên có câu hỏi tương tự. Thầy cô có thể trợ giúp bạn tốt hơn: Họ có thể đặt câu hỏi ngược lại cho bạn, gợi ý cho bạn nghiên cứu vài thứ, hay đưa cho bạn bài tập để luyện thêm. Đi hỏi mà “lãi” được nhiều như vậy, bạn còn chê sao?
- Nếu bạn đủ duyên, là sinh viên dễ thương đáng yêu, bạn sẽ có thêm một người bạn mới trong và sau khi học phần kết thúc.
Bạn chẳng mất gì khi đi hỏi. Miễn là bạn đã làm phần việc tư duy của mình, hiếm có khi nào có một câu hỏi là ngớ ngẩn. Mình may mắn không bị nói “hỏi ngu” trong quá trình đi học; nhưng nếu có người nói với mình như vậy – trong khi mình đã thực sự cố gắng nghiên cứu – mình sẽ đi tìm người mới, một môi trường tốt hơn để phát triển.
Hãy vứt bỏ cái tôi – và cân nhắc những lựa chọn
Mình mà không làm được câu này á… Là câu nói xuất hiện nhiều nhất trong đầu mình sau 7749 lần submit code và không được hệ thống chấp nhận. Đi sau đó là hàng giờ mím môi mím lợi đào bới trên mạng, fix bug, sửa code (và thêm nhiều bug hơn!?) sau đó.
Hàng giờ đồng hồ, mình vừa đánh vật với một vấn đề (đọc: thứ không đáng để đánh vật) và vừa tự thoại một cách độc hại rằng tôi thật là đần, trong khi nó đã có thể được giải quyết nhanh chóng hơn.
Trong khi có thể đó là một lỗi cực kì hi hữu của hệ thống, và người mình cần hỏi là… thầy, người đã xây dựng nên cái hệ thống đó.
Tương tự câu chuyện phía trên, việc ngăn cản chúng ta tìm kiếm sự trợ giúp, một lần nữa, lại chính là rào cản trong tâm lý. Nếu là trường hợp như vậy, hãy học cách để làm việc với chúng. Bạn có thể không cần phải rút hết dũng cảm lên hỏi thầy cô. Hãy bắt đầu từ việc hỏi những người bạn xung quanh.
Tóm lại là…
- Nhận vấn đề, động não tư duy để hiểu và giải. Thực sự nỗ lực hết sức có thể. Nếu có những gì có thể tìm kiếm nhanh, hãy “lookup” trên Internet.
- Nếu vẫn còn vướng mắc, hãy hỏi bạn bè. Có thể sẽ có đứa biết. Nếu mặt chúng nó trông vô tri quá thì hỏi thầy cô. (Tiện thể hỏi cho mình lẫn bạn.)
- Trường hợp chưa có một câu trả lời rõ ràng, hãy xin thầy cô một hướng đi – cái cần tra, sách phải đọc, video phải xem… – nói chung là con đường có thể dẫn bạn đến câu trả lời.
Càng hỏi nhiều, việc đặt câu hỏi càng bớt đáng sợ. Rồi bạn sẽ nhận ra, những con người trong lớp học đáng yêu hơn bạn nghĩ rất nhiều. Đi học, nhất định phải học cùng bạn bè, học cùng thầy cô, bạn nhé.