Cũng chẳng nhớ là từ bao giờ, cái phong trào lớp học tương tác bắt đầu nổi lên, là một trong những mục tiêu chính của đổi mới giáo dục. Không còn chuyện “thầy đọc, trò chép”, người giáo viên bấy giờ lùi về sau đóng vai trò hỗ trợ, trong khi người học trở thành chủ thể.
Người ta viết nhiều về chuyện những người giáo viên phải tích cực thay đổi và học hỏi đến thế nào để đáp ứng được yêu cầu của những phương pháp giáo dục mới; mà ít nói đến yêu cầu của phong trào này đối với người đi học.
Một trong số những yêu cầu này, mình cho rằng là khả năng đặt câu hỏi của người học.
Khi một người học đặt câu hỏi, điều đó ít nhất chứng minh được sự hứng thú, quan tâm của họ với chủ đề đang được trao đổi. Đi xa hơn, nó cho thấy tư duy phản biện, tinh thần đóng góp xây dựng bài, mong muốn hiểu sâu, học tốt.
Nhưng đặt được câu hỏi thôi, chưa nói đến câu hỏi hay – đòi hỏi rất nhiều từ vị trí người tiếp thu kiến thức. Trong quá trình đi học, để đặt được một câu hỏi cho giảng viên, mình cần đạt được tối thiểu các tiêu chí:
- Tập trung cao độ. Mất tập trung thì chẳng biết là đang học gì, hoặc có nhưng học trong trạng thái “vô tri”, đáng ra tiếp thu được 10 phần thì chỉ được cùng lắm 6-7 phần.
- Có hứng thú, chủ động trong việc tiếp thu bài giảng. Nếu ta không cảm thấy chủ đề thú vị, chẳng bao giờ xuất hiện một câu hỏi, hoặc nếu có thì ta cũng chẳng quá quan tâm việc trả lời nó.
- Có sự chuẩn bị. Đã đọc, suy nghĩ, nghiên cứu trước đó. Nếu đến ngày đi học mà chưa đọc qua một chút gì, tiếp xúc mọi thứ lần đầu tiên, khả năng cao là chúng ta cần thời gian để “ngấm” được kiến thức, chứ chưa thể đặt được câu hỏi gì.
Đặc biệt để đặt được câu hỏi hay cần bạn đạt được cả 3 điều trên. Nhất là mục thứ 3 đòi hỏi bạn chủ động nghiên cứu nhiều hơn, và suy nghĩ sáng tạo một chút.
Mình hay nghe sinh viên chê trường, chê chương trình đào tạo cũ kĩ, chê giáo dục lạc hậu này kia. Nhận xét này có phần đúng, khi hiện thực mà chúng ta thấy bây giờ đòi hỏi đến sự thay đổi nhanh hơn bao giờ hết của các cơ sở đào tạo để bắt kịp với nhu cầu xã hội.
Tuy nhiên, một điều mà ít ai nhắc đến, đó là giáo dục tiến bộ đòi hỏi các bạn phải vất vả hơn rất nhiều. Cả giảng viên và người học.
Việc cắp vở tới lớp và chép y nguyên những gì trên bảng xuống rất dễ. Highlight sách hay “tụng kinh” cho đến khi thuộc cũng rất dễ.
Việc biết mình cần học gì, học một thứ để làm gì lại khó. Kết nối được lý thuyết với thực hành cũng khó. Chủ động đọc trước, tìm kiếm bên ngoài, đào sâu suy nghĩ, luyện tập có chủ đích – siêu khó.
Vì sự học thật, học chất đòi hỏi một nỗ lực tương xứng. Nhưng sau kì thi, những gì bạn học được vẫn ở lại, và còn đi với bạn một thời gian dài nữa.