Stay connected?

three black handset toys

Nếu nhà bạn có một modem phát WiFi thì hãy thử làm như thế này. Đầu tiên, rút nguồn điện để cho cục modem này tắt hẳn, không còn đèn nào nhấp nháy hay phát sáng. Đợi khoảng 5 phút. Lại cắm điện vào và bật WiFi lên. Các đèn sẽ sáng dần từng cái một, với đèn Power (nguồn điện) sáng ngay đầu tiên và những cái sau tiếp nối.

Bây giờ hãy lấy ngay điện thoại và vào phần cài đặt WiFi và lựa chọn đúng mạng mà bộ modem kia đang phát. Trong khoảng 3 giây hoặc lâu hơn tùy theo tốc độ mạng, phía dưới sẽ có một dòng chú thích như thế này:

Điều này là do khi modem được bật, nó đã ngay lập tức phát sóng WiFi ra xung quanh mà chưa nhất thiết đã phải thiết lập kết nối đến với Internet. Điều này thường chỉ xảy ra trong vài giây khi modem vừa tắt đi bật lại, đang khởi động. Nó đồng nghĩa với việc bạn đã kết nối với mạng WiFi, nhưng không thể nào dùng Internet.

Và đương nhiên vô hình chung sự kết nối ấy là vô dụng bởi bạn chẳng thể làm được gì với cái WiFi mà bạn cho rằng đáng ra sẽ kết nối bạn lên Internet.

Nếu đen đủi hơn, dây cáp thuộc về mạng nhà bạn hỏng thật, thì trừ khi nó được sửa, WiFi sẽ mãi giữ cái trạng thái khó chịu này.


Giữa người với người cũng có những mối liên kết đầy mơ hồ như thế.

Với thời đại công nghệ phát triển đến chóng mặt, thế giới ngày một nhanh hơn, chúng ta có thể kết nối với bất kì ai trên thế giới. Ngồi ăn phở ngoài quán cũng có thể biết sáng nay Donald Trump hay Vladimir Putin đã làm gì, hoặc ngồi uống bia đi nhậu buổi tối cũng biết được đội bóng nào đang tranh chức vô địch giải Bóng đá Châu Âu. Nhắn tin hoặc chat với thần tượng vốn chỉ nhìn thấy trên màn ảnh giờ là chuyện đơn giản. Ai cũng có chí ít là vài chục đến vài nghìn bạn trên Facebook, có những người còn không biết bản thân đã nhấn nút kết bạn từ bao giờ. Với những nhà đầu tư, kinh doanh hay nhà báo, những sự kiện networking cho họ gặp gỡ cả trăm nghìn người khác, mặc vest và comple sải bước vòng quanh đưa ra những business card với nụ cười công nghiệp.

Hoặc chẳng nói đâu xa, một ngày nọ bạn nhận được tin nhắn kì cục của đứa bạn hồi cấp 1 hay cấp 2, chả nhớ là ai nữa, nhờ bạn giúp nó cái này cái nọ, rủ đi họp lớp với những con người bạn còn chả nhớ tên.

Xung quanh bạn nhiều người như vậy, nhưng hiếm khi lại không có ai kêu rằng mình “cô đơn”.

Có vẻ như sự kết nối giữa bạn và người kia chỉ còn là dấu tích “Bạn bè” màu xanh trên Facebook, chứ không mang một giá trị đích thực nào cả.

Lúc ấy tôi khuyên bạn nên bước đi khỏi người kia, để cho cả hai có thêm không gian cho bản thân và duy trì những mối quan hệ khác tốt hơn.

“Quen biết khắp thiên hạ, tri kỉ được mấy người?”

Bạn không cần nhiều “tri kỉ” đến vậy. Chỉ một vài người thôi là đủ. Đủ để có thời gian dành cho nhau. Đủ để hiểu nhau hơn. Đủ để thi thoảng nghĩ về nhau giữa dòng chảy của thế gian rộng lớn này.


Nếu bạn tiếp tục kết nối với mạng WiFi không Internet kể trên, thì thường hệ thống sau đó sẽ có thông báo hỏi lại bạn liệu sau đó bạn có muốn tiếp tục kết nối hay không. Trên Android 9 Pie hộp thoại đó như thế này:


Còn bạn, bạn có muốn tiếp tục là một ai đó trong cuộc đời người khác?