Sinh viên đi học đầy đủ có phải là chăm chỉ?

woman holding microphone standing in front of crowd

Câu trả lời ngắn: Không. Nhưng bạn cần có thứ gì đó tốt hơn để làm trong thời gian tiết học trôi qua.

Còn câu trả lời dài, xin mời bạn đọc tiếp dưới đây.

Hồi mới lên đại học, mình nghĩ câu chuyện đi học cũng sẽ giống như cấp ba. Đi học đầy đủ mới gọi là chăm chỉ.

Và cho tới bây giờ, tới năm thứ ba mài mông trên giảng đường, mình đã nhận ra một vài điều nữa:

  1. Khả năng truyền tải của giảng viên không đồng đều. Có người giảng rất hay, có người chỉ đọc slide.
  2. Có môn học bạn thích, và môn học bạn ghét. Nghe hiển nhiên nhỉ? Nhưng mình vẫn phải nói, vì đôi khi việc học trên đại học vẫn khá là khó hình dung: Có những môn bạn nghĩ mình sẽ thích khi đọc cái tiêu đề, nhưng bắt đầu học rồi thì thấy ngán tận cổ.
  3. Một tiết học của bạn có thể rơi vào 1 trong 4 trường hợp sau:

… Trình độ và khả năng giảng dạy trên lớp của các giảng viên đại học rất không đồng đều, không phải tiết học nào cũng cần tới học, rất nhiều giờ học mà đi học chăm chỉ lại chính là phí thời gian. Tôi từng tới một trường học, thấy được tình trạng giảng bài của một giảng viên, điều thú vị là thầy chỉ đọc từ sách, có lúc còn đọc sai, sinh viên bên dưới nằm bò ra bàn làm việc riêng, nhưng thầy vẫn chỉ đọc từ sách, không ngẩng đầu lên. Sau đó tôi mới biết giảng viên này muốn được nâng lên chức danh giáo sư nhưng không đủ số giờ dạy, cần lấy giờ học của sinh viên ra bù vào, bởi thế thầy không hề chuẩn bị giáo án bài vở, người xui xẻo e rằng chính là các bạn sinh viên này.

— Lý Thượng Long, “Đại học không lạc hướng”: Không trốn học không phải là sinh viên giỏi

Cũng vì thế, khi ấy mình cần đánh giá lại xem khi nào nên đi học, khi nào nên ở nhà tự học thì tốt hơn. Phải nói thêm, là nhà mình cũng tương đối xa trường (8 km), và chặng đường “chinh chiến” để đến cổng Bách khoa là một hành trình kinh qua những điểm tắc giao thông trầm trọng nhất của thành phố. Việc suy nghĩ xem đi học hay nghỉ thực sự là một điều đáng để quan tâm!

Khi một học kì mới bắt đầu, chỉ cần 1-2 tuần là mình đã quyết định xong cho tất cả các học phần mình đăng kí của kì đó, là mình có đi học nghe giảng hay không. Từ những minh hoạ và ma trận bên trên, mình đúc kết ra một vài quy tắc cho bản thân. Xin được chia sẻ tới với các bạn.

  1. Mặc định là “đi học” chứ không phải “nghỉ”.
  2. Nếu môn học đó có điểm danh, hãy đi học. Không cần quan tâm thầy cô bài vở hay dở gì hết. Đến lớp vẫn có thể tranh thủ làm việc mình muốn làm. Còn không thì hãy xoay xở để bạn bè điểm danh hộ.
  3. 3 mốc: những ngày đầu kì, giữa kì, cuối kì – là những ngày bạn nhất định phải đi học. Các thầy cô thường không điểm danh cũng sẽ thường điểm mặt sinh viên trong những ngày này. Bên cạnh đó là những thông tin quan trọng cho kì thi bạn không nên bỏ lỡ.
  4. Nếu không điểm danh, sẽ có nhiều yếu tố để bạn có thể cân đong đo đếm hơn. Với ma trận phía trên, góc (2) là trường hợp lí tưởng, và (1) là trường hợp vớt vát được; bạn nên đi học, vì dù sao nếu thầy cô hay thì môn học chán hay thú vị, mình vẫn có thể tiếp thu tốt hơn.
    Với (3), mình khuyến khích bạn tự học, và có đi học thì chỉ xác định là thắc mắc gì thì hỏi. Với (4), bạn nên tìm đến những người bạn để cùng nhau làm chủ môn học – đi một mình sẽ tương đối khó khăn.

Tuy nhiên, những điều mình viết ở đây không nên được hiểu là mình khuyến khích bạn nghỉ học. Mấu chốt nằm ở việc bạn biết mình cần gì, và với cùng một khoảng thời gian, bạn có thể làm gì với nó.

Carlos Vignolo, a masterful professor at the University of Chile, told me that he provocatively suggests that students take classes from the worst teachers in their school because this will prepare them for life, where they won’t have talented educators leading the way.

Carlos Vignolo, một giáo sư đáng kính từ Đại học Chile, nói với tôi rằng anh ấy luôn gợi ý sinh viên: Hãy học các lớp tới từ những giảng viên tệ nhất trong trường, vì điều này sẽ giúp họ chuẩn bị cho cuộc sống sau này, khi họ không còn những nhà giáo ưu tú đồng hành chỉ lối bên cạnh nữa.

— Tina Seelig, What I Wish I Knew When I Was 20
(đã xuất bản ở Việt Nam, với tựa Việt “Nếu tôi biết được khi còn 20”, NXB Trẻ)

Có những ngày bản thân muốn cúp tiết, đơn giản là vì mình… oải. Chán chường tới mức không một điểm cộng hay thầy cô dạy hay nào có thể vực dậy tinh thần mình. Và dưới đây là một lời nhắc nhở nhẹ nhàng, nếu như bạn rơi vào trường hợp tương tự.

Mình tự nhủ rằng, trừ khi mình đi nhận giải Pulitzer, đi thi thố thế giới, hay đấu vòng loại Juste Debout, việc mình cần làm là đi học.