Kiên nhẫn

person in white long sleeves and green long skirt holding a ceramic bowl with sushi

Có lẽ nếu anh chàng phụ tá học việc ở quán sushi của bác Jiro trong phim Jiro Dreams of Sushi mà viết CV ở thời điểm đó thì CV của anh ta sẽ kiểu như thế này:

Kinh nghiệm trong nghề:
— Hơn 10 năm luyện tập để được bác Jiro cho làm sushi trứng.

Nghe chẳng hấp dẫn tí nào. Cái chúng ta vốn tung hô lâu nay là những hồ sơ đẹp tuyệt của những người hoặc là đã “bắt đầu sớm”, hoặc là rất năng động, kịp thời làm đầy CV của mình với những vị trí, giải thưởng, thành tựu hay kinh nghiệm chỉ với tuổi đời còn rất trẻ. Hồ sơ các trường đại học lớn đòi hỏi dấu ấn cá nhân, nơi họ hỏi về những thành tựu, thành tích mà người học viên đã đạt được trước đó.

Các cơ hội lớn hơn cũng dành cho những người đã có “những công trình đáng ghi nhận”. Chúng ta phát cuồng với những 9X “làm nên cơ đồ” khi còn ngồi trên ghế nhà trường, hay các gương mặt triển vọng, những tài năng trẻ mới nổi. Thành công của họ là những điều tuyệt vời chứng minh khả năng phát triển ngày một nhanh và xa của nhân loại, và ở đó luôn có gì đó để chúng ta có thể học tập.

Photo by Thought Catalog on Unsplash

Nhưng trái lại, vô hình chung, nó đang tạo ra một thứ áp lực lên nhiều người trong chúng ta, trong thời đại những cập nhật trong cuộc đời người khác chỉ ở trên mười đầu ngón tay.


“Dù bạn ở đâu, bạn đang ở đúng trong chính thời điểm của mình rồi đấy.” Những lời khuyên như vậy tôi cũng đã nghe nhiều. Nhưng tôi có thôi áp lực không? Không. Có một số ít người có khả năng miễn nhiễm với áp lực đồng trang lứa, và tôi ghen tị với họ vì điều ấy.

Ta muốn xin vào một công ty nào đó để làm việc, và để được nhận vào, họ yêu cầu ta cần phải có kinh nghiệm, nhưng một khi chưa được công ty hay dự án nào nhận, ta làm sao có được kinh nghiệm? Một học bổng tài năng nọ mong muốn phát triển những tài năng nhưng đòi hỏi những đứa trẻ đã phải thể hiện khả năng của chúng bằng những giải thưởng hay huy chương trước đó.

Photo by Markus Winkler on Unsplash

Xét trên một góc độ nào đó những yêu cầu này là hợp lí, bởi đó là một trong những cơ sở hiếm hoi để họ đưa ra được quyết định. Nhưng xét trên một góc độ khác, những kẻ có “thời điểm” chậm sẽ mất đi nhiều cơ hội – bởi tới lúc nộp hồ sơ hay ứng tuyển cho một thứ gì đó, họ vẫn đang loay hoay trong cái tiến độ chậm hơn kẻ khác của cuộc đời mình.


Ở cái tuổi 17, tôi ngồi xem lại một Hanyu Yuzuru cùng tuổi giành huy chương vàng Thế vận hội Mùa đông Peungchang 2016 ở hạng mục Men Figure Skating. Anh ngồi ở khu vực Kiss and Cry và vỡ oà khi nhận điểm, còn tôi thì ngồi một cục ở nhà, ăn cơm của bố mẹ.

“Mười bảy bẻ gãy sừng trâu” là cái câu hay làm tôi buồn cười. Vẫn hiểu ý của các cụ ngày xưa, nhưng đôi lúc câu nói này được dùng để đánh giá theo cái ý “con nhà người ta” thì tôi cảm thấy không hợp lí lắm.

Mười bảy tuổi, sao ta không đi làm điều gì có ích hơn để chứng tỏ bản thân mà lại đi bẻ sừng con trâu?

Mỗi người một cơ thể, một lối sống, một hoàn cảnh, đâu phải ai cứ tới tuổi mười bảy là đã qua được vạch đích “làm cho sừng trâu gãy”. Nhưng ta vẫn cứ nghe đến nhàm tai những lời khuyên mang đầy tính “deadline”, ví dụ như, “Tuổi trẻ thì phải đi đây đi đó”, hay “Đến đủ 30 phải có cơ đồ”.

Photo by Ryan Kwok on Unsplash

Thầm cảm ơn vì bữa tối có bát cơm ăn, xem xong, tôi cúi xuống ăn nốt phần mình, rồi tiếp tục sống cuộc sống của của chính mình. Có những dự định, có những phần việc cần phải làm. Nhưng chúng mất nhiều thời gian, và thường chẳng mấy khi nghe thú vị. Tôi mà là anh chàng thực tập ở tiệm của Jiro kia, Tết nào về cũng phải báo cáo họ hàng “Năm nay cháu tập làm sushi trứng” thì nghe ảm đạm thật.

Trong một thế giới ồn ào, tôi thấy mình đi quá chậm với những người cùng tuổi ngoài kia. Trong khi họ đạt giải này, giải kia, tôi vẫn ngồi và vật lộn với đống bài tập đại số giải tích. Khi người ta đứng ra khởi nghiệp, đóng góp cho cộng đồng, tôi vẫn sống cùng với gia đình và vẫn phải nhờ tới ba mẹ để chi trả học phí. Lúc họ toả sáng vang danh thế giới, tôi suy nghĩ xem nên làm gì tiếp với cuộc đời mình.

Nghĩ đi nghĩ lại, tôi đi tới một sự giác ngộ vô cùng to lớn:

Đến giờ rửa bát rồi.

Hoá ra dòng thời gian của tôi là của tôi, và của người khác là của họ. Tôi chỉ việc làm những việc mình cần làm hiện tại, trong khả năng tốt nhất của mình.