P.A.S Festival 2023: “L’ANNÉE DE LA RÉUNIFICATION”

“Nghệ thuật là như thế: cho đi tất cả những gì bạn có. Vậy bạn có gì? Không gì khác ngoài cuộc sống của chính bạn. Và cho đi cuộc sống nghĩa là cảm nhận cuộc sống trong toàn bộ con người bạn.”

— Michael Chekhov, diễn viên, tác giả, nhà thực hành sân khấu người Nga-Mỹ

“Bi kịch của chúng ta thời nay là nỗi sợ hãi mang tính vật chất rộng khắp và phổ biến mà chúng ta đã phải chịu đựng dai dẳng, đến nỗi chúng ta không biết mình còn có thể chịu đựng được đến bao giờ. Không còn những vấn đề của tinh thần nữa.
Chỉ còn một câu hỏi: Bao giờ chúng ta sẽ đi đời? Vì lẽ đó, các bạn trẻ viết văn, nam, nữ hôm nay, dường như đã quên rằng: những nan đề trong tâm hồn con người luôn xung đột với chính nó lại chính là những điều duy nhất có thể tạo ra tác phẩm hay, chính là điều duy nhất đáng để viết, đáng để lao tâm và khổ trí.”

— Willian Faulner, Diễn văn nhận giải Nobel Văn chương 1950 (Trích và dịch bởi ‘House’ Nguyễn Anh Tú, “Thư từ xứ con người”)

[Thông tin giới thiệu dưới đây được trích nguyên văn từ trang web chính thức của ATH Theatre.]

Về ATH (Atelier Théâtre et Arts)

Được công nhận bởi Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam, ATH bao gồm một nhóm nghệ sĩ chuyên nghiệp và quản lý hành chính tâm huyết và đầy đam mê cùng hướng về một mục tiêu: tạo ra những không gian dành riêng cho nghệ thuật sân khấu để một cộng đồng – nơi đề cao sự đa dạng văn hóa và niềm vui thích cùng nhau sáng tạo – được tồn tại.

Hoạt động dựa trên quan điểm nhân văn về nghệ thuật và giáo dục, ATH khởi tạo một không gian chú trọng tới niềm vui thích và lòng khoan dung, đồng thời vun đắp sự chỉn chu và tính nghiêm túc cần thiết cho mọi sự sáng tạo nghệ thuật.

Về P.A.S Festival

Kể từ lần đầu tiên được tổ chức tại La Cinémathèque vào tháng 5 năm 2015, Lễ hội P.A.S đã diễn ra hàng năm tại các nhà hát khác nhau ở thành phố Hà Nội như: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam…Lễ hội P.A.S được mở ra nhằm mục đích tạo nên một không gian và khoảng thời gian, để các nghệ sĩ biểu diễn tại Việt Nam và Đông Nam Á có thể giao lưu nghệ thuật đa văn hóa.

Trong vòng 10 ngày, với các buổi biểu diễn kich ứng tác, kịch nói, ca múa nhạc, được dàn dựng không chỉ tại Hà Nội mà còn nhiều nơi khác, biểu diễn bởi các học viên nhí, học viên trẻ tuổi và người lớn, sẽ được dành tặng cho đông đảo người tham gia.

Về P.A.S 2023

Đại dịch COVID 19 đã khiến các cơ sở văn hoá, trung tâm nghệ thuật cũng như việc giảng dạy các bộ môn nghệ thuật gặp nhiều khó khăn và suy yếu dần. Lễ hội P.A.S lần này được tổ chức với mong muốn mang những người coi nghệ thuật biểu diễn là thiết yếu đến gần nhau hơn và cùng nhau ăn mừng cuộc phiêu lưu đã giúp chúng ta trưởng thành: một sự giáo dục về nghệ thuật và học hỏi về văn hoá.

Năm 2023 cũng là thời điểm ATH tiếp cận các trung tâm văn hóa, trường học quốc tế khác nhau ở Hà Nội, nhằm hỗ trợ những sáng kiến về nghệ thuật và củng cố ý tưởng rằng nghệ thuật là không thể thiếu đối với xã hội của chúng ta, kể cả khi chúng ta đang thưởng thức hay thực hành nó.

💡 Vở diễn của Kinergie Studio trong khuôn khổ P.A.S Festival là một tiết mục khách mời tại không gian của ATH Theatre.

Tưởng tượng và thực tế

Về cơ bản thì đội diễn chúng mình có toàn quyền quyết định với ý tưởng và triển khai tiết mục. Đôi khi việc khó nhất lại là việc sáng tạo mà không có giới hạn – nó chẳng cho ta thứ gì để bắt đầu.

Ý tưởng không lâu sau đó được viết ra và chia sẻ bởi anh Tân, người làm việc trực tiếp và dành nhiều thời gian nhất để trao đổi với ATH Theatre. Với tiêu đề “Shape”, ý tưởng đó có lẽ đã phần nào được lấy cảm hứng từ chính chủ đề của lễ hội năm nay.

Có một chủ đề rồi. Sau đó thì chúng mình làm gì?

  • Trao đổi để cùng hiểu ý tưởng và làm dày nó;
  • Tìm kiếm và thử nghiệm đội hình/ sắp đặt;
  • Tìm nhạc;
  • Lab liên tục để nhặt nhạnh những thứ hay ho bất chợt

Một cách làm được đội sử dụng khá nhiều là tìm kiếm trên Instagram những sequence đương đại ngắn nhưng hiệu quả thị giác cao. Sau đó chúng mình cố gắng kiến tạo lại nó, và quyết định xem điều đó có ổn hay không. Tuy nhiên, có thể nói việc làm này là một điều “xa xỉ” dành cho một biên đạo nắm trong tay số lượng diễn viên tương đối nhiều – chứ không mấy khi áp dụng được cho một nhóm vỏn vẹn 4 người như tụi mình.

Để tạo ra những hiệu ứng “xem đã con mắt” như vậy đòi hỏi một độ “dày” về mặt cơ thể và nối chuỗi – thứ chỉ có thể đạt được khi có càng nhiều người càng tốt.

Đây là hiệu ứng của dân chuyên nghiệp. © Batsheva Dance Company

Đây là thứ mà chúng tôi làm ra…

Lắm lúc xem thì biết người ta hay vậy, nhưng cũng phải tập để hiểu và chấp nhận là mình chưa làm được (về mặt kỹ thuật) hay hoàn toàn không trong thời điểm hiện tại (về mặt nhân sự/ không gian/ cơ thể…). Dù sao thì đây cũng là một bài tập tương đối tốt để giúp ta thử cái mới, rèn luyện con mắt thẩm mĩ, và nhận ra khả năng hiện tại của cá nhân và tập thể.

Tuy nhiên, không phải lúc nào sự “hiểu” trên đây cũng đến sớm hay kịp thời. Với nghệ thuật thị giác, hình ảnh trong đầu và hình ảnh thực tế là hai thứ cách nhau một trời một vực. Nhóm chúng mình đã dành ra đến gần 3 tuần để “thai nghén” và phát triển xoay quanh một ý tưởng – cái mà – đến mãi ngày thực sự triển khai nó đầy đủ, mới nhận ra tính bất khả thi của nó. Ý tưởng ấy như thế này:

© AURÈLIA MUÑOZ, Metalocus. (2012) MUSEU DEL TAPÍS CONTEMPORANI [SANT CUGAT DEL VALLÈS – BCN]

Với ý tưởng đó, cả đội đã cân nhắc đến việc sử dụng đạo cụ: Một thứ dây không co giãn, màu trắng, đủ dày để có thể nhìn thấy từ khoảng cách 3m.

Một bản kế hoạch phác thảo ban đầu, trong đó có dự tính về đạo cụ sẽ sử dụng.

“Phải rất rõ ràng và kĩ càng trong việc sử dụng đạo cụ: Ví dụ như việc em đưa một chiếc ghế nhựa lên sân khấu. Em sẽ làm gì với nó? Chỉ coi nó như là một cái ghế, ngồi được vài giây, rồi dẹp nó đi hoặc để nó tơ hơ trên sân khấu chẳng vì mục đích gì cả? Hay là em sẽ “chơi” với nó một cách triệt để, đưa cái ghế thành biểu tượng cho nhiều thứ khác nữa? Sự chú ý theo dõi của khán giả là một thứ tài nguyên hiếm hoi: Em sẽ không muốn phí nó vào việc khiến họ phải đặt dấu hỏi cho một vật dụng lạc quẻ trên sân đâu.”

— Thầy Ngọc, Về khai thác và sử dụng đạo cụ

Nhớ những lời dạy của thầy, chúng mình đã tìm khá nhiều cách để tận dụng sự hiện diện của những đoạn dây. Song vấp phải không ít khó khăn:

Vừa cầm dây vừa di chuyển, tạo ra một mạng lưới biến đổi đẹp mắt. Hoặc là thít cổ…
Những “ảo thuật gia” nhà Kinergie trong công cuộc giấu đạo cụ.
Là cái chưng hửng của cả đội, khi biết địa điểm diễn hoàn toàn khác với nơi chúng tôi đang tập và hình dung.

Và sau 3 tuần chật vật đó, tụi mình đã đi đến một quyết định lớn:

Xé nháp làm lại

Kế hoạch đan dây đổ vỡ, nhóm bắt đầu tìm đến một đạo cụ mới.

Chiếc điện thoại.

Vốn được sử dụng tương đối nhiều trong những tác phẩm nhảy/múa, điện thoại nghe có vẻ như là một lựa chọn hợp lí.

Nhưng làm sao để khai thác nó cũng là một bài toán cần phải động não.

Keone và Mari chuẩn bị đạo cụ có phần “công phu” hơn: Họ sử dụng một mô hình giả như chiếc điện thoại. Còn chúng mình thì phải dùng đồ thật luôn. Thế nên không có chuyện ném máy đi giữa bài được đâu…

Ý tưởng cụ thể ở đây là chơi với ánh sáng của cái điện thoại. Tức là ánh sáng màn hình và đèn flash.

Điều khó ở đây lại nằm ở chính khán giả và không gian sân khấu. Trong phòng tập tại Kinergie cũng như dự kiến sau đó tại ATH Theatre, ngay cả khi bật đèn hay tắt đèn, một phần hay toàn bộ bóng, thì đèn flash sẽ là thứ làm “hỏng mắt” khán giả (và hỏng cả bài diễn). Để bạn dễ dàng hình dung hơn thì đây:

Đây là những gì sẽ xảy ra khi bạn chiếu thẳng mặt người ta.
Ủa, quý vị vẫn chưa hài lòng sao?
Có vẻ ổn rồi đấy.
Vừa múa vừa giữ góc 15 độ là cả một nghệ thuật đấy nhé.

Kết cục là chúng mình đã phải tập đi tập lại rất nhiều lần để căn chỉnh và sửa góc tay làm sao để đèn không rọi vào mắt người xem. Mình có một phần solo khoảng 2 nhịp 8, đi từ góc trên về giữa sau sân khấu, liên tục vừa chiếu đèn lên người vừa múa.

Dĩ nhiên là chiếu đèn vào đâu cũng phải có chủ đích, vì nơi nào không được đèn chiếu tới thì có múa cái gì người ta cũng không nhìn thấy được.

Với điều đó mình đã nghĩ ngay tới bài tập waving của Boogie Frantick học trên STEEZY. Bạn nào tập popping chắc hẳn cũng biết bài này. Thế mới thấy là tập vở múa đương đại mà có chất liệu nào trong người là rút ra để dùng hết!

Một video bác Boogie Frantick dạy waving tay 12 điểm. Bác dạy một cách tập, với cái tên nghe khá hay là “ngọn hải đăng”: Ta wave với 1 bên tay/ người, và sử dụng tay còn lại như đang cầm một ngọn đèn chiếu vào người. Ánh sáng chiếu đến đâu là sóng cuộn đến đó.

Lắng nghe nhau, hay đếm nhịp vào nhạc?

Một vấn đề tương đối hóc búa của vở diễn là chuyện thực hiện routine (một đoạn tổ hợp động tác được biên đạo sẵn, các diễn viên múa theo y hệt).

Mọi chuyện sẽ chẳng có gì nếu như đây là một bài choreography (biên đạo sẵn) – tất cả cùng chung động tác và ghép với nhạc từ đầu đến cuối. Vấn đề là ở chỗ:

Vở diễn này tới 80% là ngẫu hứng. Các phân đoạn chỉ tuân theo một giới hạn duy nhất là bố cục đã dựng sẵn. Còn lại với mỗi tuyến, mỗi vị trí, diễn viên hoàn toàn tự improvise (hay nói kiểu anh em streetdance thì là ‘freestyle’) ngay tại chỗ. Tức là với mỗi lần biểu diễn thì lại ra một thứ khác. Không có hai bài múa nào y hệt nhau, mặc dù là từ cùng một vở.

Nó khá là giống kiểu chương trình truyền hình “Ơn giời, cậu đây rồi” của giới nghệ sĩ hài.

“Thầy biết là tập cái này sẽ rất lâu để các em có thể nói rằng mình ‘làm được’. Trên thế giới, số lượng công ty múa theo trường phái ngẫu hứng hoàn toàn, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Mà cũng chẳng mấy ai trong số họ khẳng định được đó là thế mạnh của mình.”

— Thầy Ngọc, Về thời gian học tập tại Pháp và các công ty trên thế giới

Ở giữa bài múa Ơn giời, cậu đây rồi kia, chúng mình lại muốn chêm vào một tổ hợp dựng sẵn. Điều đó làm nảy sinh thêm vài đầu việc:

  • Kết nối từ đoạn trước vào tổ hợp;
  • Thực hiện tổ hợp đồng đều;
  • Đi ra khỏi tổ hợp và chuyển tiếp lại vào ngẫu hứng.

Sự “khoai” nhất của tổ hợp này chính là việc nó không hề được biên theo nhạc. Nói như anh Tân, tác giả của 4 nhịp 8 này, thì nó là “thứ nhịp điệu mà tự anh cảm thấy trong mình”.

Học tổ hợp này giống như học một thứ tacit knowledge, thứ không thể diễn tả được bằng lời. Mình nhìn anh làm đi làm lại đến chục lần, và cuối cùng cũng bắt được nó. (Nhưng lúc đó bảo mình làm thì mình làm được, nhưng bảo để giải thích thì… chịu.) Nhưng hai chị My và Phương thì còn tương đối gặp nhiều khó khăn.

Lúc đó, anh Hưng bước vào, và cứu cả đoàn diễn viên khỏi sự bế tắc không hồi kết. Chúng mình bắt đầu ghép nhịp cho từng động tác.

Lần duyệt đầu tiên… và duy nhất

Trên đời này, có những thứ thường hay thiếu thốn, như thời gian, tiền bạc, và những lần duyệt trực tiếp cho một buổi biểu diễn.

“Có là còn may đấy em ạ. Nhiều khi đơn vị tổ chức còn chẳng cho mình duyệt một lần nào trên sân của họ. Cứ tập ở nhà mình, xong đến là băm bổ thôi.”

Lại một cái ngạc nhiên mới.

P.A.S Festival diễn ra trong hai tuần: tuần cuối cùng của tháng 5 và tuần đầu tiên của tháng 6.

Đội Kinergie bắt đầu nhận được thông tin từ cuối tháng 3, và bắt đầu tập luyện từ đầu tháng 4. Chúng mình có vỏn vẹn 2 tháng cho mọi thứ.

Bản kế hoạch cho tháng đầu tiên, xây dựng bởi anh Tân.

Trong 2 tháng đó, cả đội chỉ có cơ hội đến khảo sát cơ sở vật chất phục vụ biểu diễn và tập thử tại sân khấu vào một ngày duy nhất. Một buổi tối thứ 7 trước ngày diễn 2 tuần.

Phải tự nhớ lấy những đo đạc không gian, bố trí ánh sáng và âm thanh trong phòng. Hoàn thiện những tinh chỉnh cuối cùng.

Ảnh chụp trong tối duy nhất chúng tôi có mặt đông đủ tại ATH.

3 Bài học lớn | Key Takeaways

Buổi tập đêm cuối cùng trước ngày diễn tại Kinergie.
  1. Rèn luyện phong cách làm việc chuyên nghiệp cho mình trước. Tức là đến đúng giờ, kết thúc đúng giờ. Nghỉ thì báo.
  2. Đừng cố quá mà thành quá cố. Bản thân mệt mỏi, ốm đau, không tập được thì phải báo ngay. Không giấu. Không để cái tôi to đùng kéo đến phòng tập, rồi lại tập nửa vời vì mệt.
  3. Giải quyết vấn đề để hạ thấp tối đa “risk portfolio”. Thay vì để bấm giờ cho âm thanh thủ công, tại sao không ghép nó vào âm nhạc chuẩn bị sẵn?

Lời cảm ơn

Em xin được phép gửi lời cảm ơn tới anh Tân Trương, chị My Hà “Alice” và chị Phương “Buratino”; ba anh chị, ba người bạn diễn đầy nhiệt huyết cho “Shape”. Anh chị là những người em được học hỏi nhiều nhất về phong cách làm việc, tiếp cận, trao đổi, cũng như nhiều những phương diện cá nhân và đời sống khác.

Tiếp theo đó phải kể đến sự trợ giúp đắc lực của anh Phan Việt Bách “Sidk”, người đã thực hiện video và ảnh chụp trong sự kiện; và anh Đỗ Quốc Hưng, người kỹ thuật ánh sáng cho ngày diễn ra vở múa. Hai anh là những người theo sát đội biểu diễn nhiều nhất, đồng thời cũng đưa ra rất nhiều những góp ý và nhận xét trên khía cạnh biên đạo – để chính những diễn viên tự sửa đổi mình.

Em cũng xin cảm ơn chị Minh Hải và thầy Đỗ Hoàng Thi Ngọc từ Kinergie Studio, những người đã đem tới cho chúng em cơ hội được tập luyện và thử sức mình ở một sân chơi bên ngoài phòng tập.

Đây hẳn là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với mình năm nay.

Cuối cùng, em xin cảm ơn đội ngũ ATH; tất cả những người đã ủng hộ và hỗ trợ nhóm, dù trực tiếp hay gián tiếp; những khán giả và khách mời. Vở diễn sẽ không thể diễn ra trọn vẹn nếu như không có sự hiện diện của mọi người.

Pages: 1 2

2 responses

  1.  Avatar
    Anonymous

    This is such a cool blog! Please share more cool events like this!

    1. Thank you so much 🫶💗