Cho ngày thế giới trong ta sụp đổ

person with black hair and red lip

Những gì sót lại của Laputa

Phim anime đầu tiên của Studio Ghibli bạn xem là gì?

Với mình, đó là Laputa: Castle In The Sky, hồi năm mình khoảng lớp 5, lớp 6. Bộ phim này xoay quanh một quốc đảo được xây dựng ở trên bầu trời từ cổ xưa. Nó ẩn chứa nhiều bí mật, những kho báu và lời hứa hẹn về một thế giới thiên đường. Nhân vật nữ chính Sheeta sở hữu một cái tên cổ và một viên đá truyền lại từ thời mẹ và bà của cô, mà ánh sáng của nó là thứ la bàn trỏ tới vị trí của quốc đảo thần bí đó. Và đấy cũng là điều khiến rắc rối bắt đầu, khi rất nhiều kẻ tham vọng nhắm đến cô hòng tới được với Laputa.

Một cảnh của Laputa nhìn từ trên cao. © Studio Ghibli.

Khỏi phải nói, những thước phim tuyệt đẹp và soundtrack miễn chê của Joe Hisaishi đã là một phần trong tuổi thơ của mình.

Nhưng điều làm mình nhớ nhất của phim lại là chi tiết lâu đài trên không ấy sụp đổ. Một thế giới thiên đường, với công nghệ, vũ khí, máy móc tối tân nhất và đủ thứ vàng bạc châu báu. Tất cả chúng đều vỡ vụn và bị thả rơi cùng theo câu thần chú hủy diệt của Sheeta.

Những gì còn sót lại là ngôi vườn trung tâm và cây cổ trụ cột của lâu đài. Chúng bay lên cao mãi và xóa đi mọi khả năng ai đó tìm tới lần nữa để khai thác cho mục đích xấu xa.

Giờ thì tôi đã hiểu tại sao những người từng ở Laputa đã rời đi. Có một bài hát từ Gondoa quê nhà tôi đã giải thích mọi thứ. Nó nói rằng, “Hãy cắm rễ vào với mặt đất, sống hòa hợp giữa những cơn gió, gieo hạt giống mỗi khi đông về, và hát cùng với chim muông khi xuân quay trở lại.” Bất kể các ông có bao nhiêu vũ khí, công nghệ hiện đại thế nào, thế giới này sẽ không thể tồn tại nếu không có tình yêu.

— Nhân vật Sheeta, trong cảnh đối diện với phản diện chính Muska, Laputa: Castle In The Sky (Studio Ghibli)

Hồi bé xem phim chỉ thấy hay hay, chứ cũng không rút ra điều gì sâu xa. Thứ còn đọng lại trong đầu mình là hình ảnh của một thế giới sụp đổ và “cái lõi” còn lại của nó. Và những con người xung quanh nó, bằng cách nào đó, lại có vẻ hạnh phúc hơn khi chốn địa đàng kia không còn nữa.

Nguyên lý bất biến

Trong toán học có một nguyên lý mang tên nguyên lý bất biến (Invariant Principle). Hiểu nôm na thì nguyên lý này phát biểu rằng khi chúng ta thay đổi từ trạng thái A sang trạng thái B, thì những gì gọi là “bất biến” là những đại lượng hay tính chất không thay đổi trong quá trình này.

Không học chuyên Toán, lần đầu tiên mình biết đến khái niệm ấy là trong một tiết Toán rời rạc trên đại học. Thầy lấy ví dụ về một bài toán khá kinh điển:

Trên bảng có các số 1/96, 2/96, 3/96, …, 96/96. Mỗi một lần thực hiện, cho phép xoá đi hai số a, b bất kỳ trên bảng và thay bằng a + b – 2ab. Hỏi sau 95 lần thực hiện phép xoá, số còn lại trên bảng là số nào?

Ngồi trong lớp toàn những “đầu sỏ” chuyên Toán, chuyên Lý, giải tỉnh, giải quốc gia; mình nhận ra những người bạn không mấy ai tỏ vẻ ngạc nhiên. Những thứ này chúng nó đều đã biết.

Nhưng mình thích thú một cách lạ kỳ khi cuối cùng lời giải được đưa ra. Bài toán này hoàn toàn không cần đến một tính toán nào. Chỉ với vài dòng lập luận, và thế là đã đưa ra kết quả. Nhẹ nhàng và đầy bất ngờ.

Trong 10 phút giải bài của tiết học ngày hôm ấy, mình lại nghĩ đến Laputa. Mỗi một dòng lập luận được viết ra như một bức tường sụp đổ. Mình hình dung sự bất biến – ở trường hợp này là tính chất của tổng dãy số của bài toán – như một cái “lõi”, thứ mà giống với cây cổ thụ và khu vườn của Laputa, là điều còn sót lại sau khi những điều khác đã rơi rụng hết.

Chuẩn bị cho một cái đầu mở

Khi nói về chuyện khai mở tư duy, người ta hay nói về khái niệm của một cái đầu “mở”. Một cái đầu mở là một cái đầu sẵn sàng học hỏi cái mới, kể cả thứ ấy có phần khó hiểu và thậm chí còn mâu thuẫn với những cái sẵn có. Nó chấp nhận việc rèn luyện trước những điều khác biệt.

Đối với mình, một cái đầu mở còn là một cái đầu sẵn sàng chấp nhận việc một ngày kia mọi thứ mà nó hằng xây dựng sẽ sụp đổ hoàn toàn. Để làm được điều ấy nó cần phải có một hoặc nhiều những bất biến, thứ mà mình gọi là “cái lõi”.

Mình từng đọc ở đâu đó nói rằng, tới một độ tuổi nhất định, con người ta bắt đầu xây nên trong họ một hệ giá trị, quan điểm, lẽ sống, và những thứ như vậy – tổ hợp những điều giúp họ giải thích về thế giới xung quanh.

Vấn đề là chúng ta cần chuẩn bị cho cái ngày mà thế giới ấy trong ta có khả năng sụp đổ.

Ở trong quá trình liên tục thu nhận cái mới, không sớm thì muộn cũng sẽ có những mâu thuẫn phát triển lớn tới độ cần phải triệt tiêu một trong hai để có được sự thống nhất. Có những thứ mà ngày hôm nay ta tin tưởng 200% là đúng, nhưng ngày hôm sau nó sẽ sai bét. Có những va chạm nhẹ nhàng như hòn đá rơi xuống mặt đất, nhưng cũng có trường hợp nó giống như thiên thạch lớn va chạm với Trái Đất.


Ba mình từng kể về cha của ba, tức ông nội của mình – về những ngày tháng thanh niên của ông, khi ông còn bằng tuổi mình bây giờ. Với những lý tưởng tốt đẹp và lăng kính trong trẻo về mọi sự, ông bước ra với thế giới mà không chuẩn bị nhiều cho những sự khác biệt với kỳ vọng. Trải qua nhiều lần thiếu may mắn, gặp phải kẻ bụng dạ không tốt đẹp, ông đã mất đi ít nhiều niềm tin với con người, điều mà đến tận ngày hôm nay mình vẫn cảm nhận được dư âm trong những lần ông nhận xét về người này người kia.

Nếu như tâm trí của ông là một thế giới, mình nghĩ ông đã chưa kịp chuẩn bị một cái lõi cho nó. Nó sụp đổ mà không để lại dấu vết. Vì không còn cái lõi, việc tiếp nhận thêm không có ý nghĩa trong công cuộc xây dựng lại, giống như xây nhà mà không có móng vậy. Thông thường thì người ta dù trước đó có “mở” thế nào, cũng rất dễ đóng mình lại.

Mình nghĩ rằng, nếu như tâm trí mình là một thứ ốc đảo như Laputa, thì hòn đá trong lõi của nó sẽ khắc ghi một điều đơn giản như thế này:

The only constant is change. (Điều bất biến duy nhất chính là sự đổi thay.)

Hi vọng bạn có thể có cho mình một hoặc một vài điều như thế.