Nobody cares if you’re 40, 70, 90, alien, female, male, minority. The market will accept your victories if you’re good enough to have a victory.
— Gary Vee, “A Rant: 6 Minutes for the Next 60 Years of Your Life”
Chỉ còn vài tháng nữa thôi là mình 20 tuổi. Một cái độ tuổi mà người ta vẫn hay tung hô là độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời. Có thời gian, có sức khỏe, có sự trợ giúp gia đình, có khả năng thử nghiệm nhiều thứ.
Điều ấy không sai. Nhưng những khoảng thời gian khác thì sao?
Mình có phần hơi “ngứa ngáy” với việc người ta đề cao tuổi trẻ như một quãng thời gian quá đỗi diệu kỳ – cái mà, nếu như ta để nó trôi qua và chẳng làm được gì nên hồn – thì ta đã coi như phí hoài cả cuộc đời luôn vậy. Để rồi khi người ta tới 30 tuổi, hay 40 tuổi, vẫn chưa đạt được điều gì làm họ thỏa mãn, hay theo đuổi được điều họ hằng mong muốn, họ thả mình xuống băng ghế, thở dài, và nghĩ đời mình thế là hết.
Sự tung hô ấy cũng làm cho những người ở trong “quãng đời đẹp nhất” ấy cũng áp lực không kém. Bạn đã ở đây rồi, chặng đường đẹp nhất của cuộc đời rồi, hãy làm gì ra hồn đi chứ. Nhanh lên. Không nó trôi đi mất chứ. Nói chuyện với nhiều những người bạn đó đây, từ Bắc chí Nam, cả người Việt lẫn nước ngoài, mới hiểu rằng nó chẳng phải là câu chuyện của riêng ai. Còn trẻ phải cố gắng làm nhiều thứ, đi nhiều nơi, đạt được cái này cái kia đi, về sau còn có được cơ đồ trước khi bắt đầu tới tuổi “ổn định”.
Có một điều khá buồn cười mình nhìn thấy ở những người trẻ xung quanh mình, ấy là các bạn hay kêu mình “già rồi”. Buồn cười thật! Đang 19 – 20, già là già thế nào? Anh chị 27-30 than thở với mấy đứa 20-21, còn người 20 thì làu bàu khi nhìn thấy 16-17 bắt đầu lớn. Cứ hết lớp người này đến lớp người kia, nhìn thế hệ kế tiếp mà cảm thấy bản thân thua thiệt.
Có phải chẳng chúng ta kêu mình “già” là vì ta so sánh mình với lứa trẻ hơn, và lại nhìn thấy các bạn ấy năng động hơn, làm được nhiều cái hơn, giỏi nhanh và nhiều thứ hơn?
Chúng ta cứ như ở trong một cuộc đua tranh bất tận – nơi những kẻ trên đường đua, dù ở bất kỳ điểm nào trên con đường của họ – đều cảm thấy mình đang thua cuộc.
Liên tục hay rời rạc?
Chúng ta vẫn thường hay gắn những cột mốc, như những con số 20, 30 và cắm chúng vào tiến trình của chính mình. Nghĩ rằng thời gian và biến chuyển trong cuộc đời giống như một hàm rời rạc, tức cứ tới giá trị x = 20 nào đó là chúng ta sẽ tự sang trang. Tới x = 30 thì đồ thị phải lên đỉnh cao cuộc đời lẫn sự nghiệp, không được thua bố con thằng nào cả. Hay x = 40 thì chúng ta phải biết dừng lại những sự đi đó đi đây mà xây dựng sự ổn định.
Một điều kỳ diệu mà mình phát hiện ra mỗi khoảnh khắc thổi nến sinh nhật, ấy là… nến tắt. Và không có sự thay đổi lớn lao nào đến với mình ngay sau đó.
Điều ước vẫn chỉ là điều ước, nếu như mình không làm gì để có được nó.
Có một điều mà mình đã từng nói qua trong Thời điểm, đó là nếu có điều gì tuyệt vời xảy ra, thì nó không mấy khi rơi vào những dịp mà ta cắm cờ và gọi là “đặc biệt”. Không phải sau khi thổi nến sinh nhật. Không phải sau phút countdown giao thừa. Lại càng không phải sau khi ta mới chỉ nói trong đầu rằng “Hôm nay tôi sẽ thay đổi”. Nó sẽ đến với bạn vào một ngày trời ơi nào đó, trời nắng, trời mưa, điều ấy quan trọng gì, nhưng nó chỉ đơn giản là đến vì nó sẽ đến. Miễn là bạn đã có cả một quá trình phấn đấu trước đó.
Một đời người là một hàm liên tục của thời gian. Mình chẳng hiểu tại sao người ta cứ nỗ lực để chứng minh rằng nó rời rạc.
Không phải cứ đến 20 tuổi là bạn sẽ biết mình muốn làm gì với cuộc đời mình. Chẳng sao cả. Đa số mọi người đều vậy.
Cũng không phải cứ đến 60 tuổi là đời bạn kết thúc. Bạn không cho phép nó nhàm chán thì đố nó như thế được ấy.
30 chưa phải là… hết
Mình thừa nhận rằng là một người trẻ, ở trong độ tuổi 20-27 là một quãng thời gian đầy lợi thế. Lợi thế trong rất nhiều mặt: sinh học, kinh tế, xã hội… Nhưng chúng chỉ là điều kiện cần. Lợi thế hay cơ hội không nhấc mông dậy làm thay công việc cho ta. Giống như một người IQ cao nhưng không sử dụng được cái thiên tài ấy của anh ta – mình nghĩ là bạn cũng hiểu điều kiện đủ ở đây là gì.
Nhưng 40, 50, 60 – mình không nghĩ khi ấy cuộc đời mình sẽ chấm dứt. Dĩ là mình có thể không làm được những thứ như mình ngày trẻ có thể làm, nhưng mình nghĩ mình cũng sẽ làm được ối thứ mà ngày trẻ mình không làm được. Trong văn hóa Á Đông, những người lớn tuổi luôn được xã hội tôn trọng ở một mức nhất định, và mình hiểu một phần lí do vì sao: Họ có những thập niên đã sống và từng trải. Cùng là mở một start-up, những người 40-50 sẽ có khả năng thành công cao hơn so với những đứa 20-21 tuổi. Vì họ có cái nhìn về “bối cảnh” (context) và kinh nghiệm – điều chỉ đến khi ta đạt đến độ tuổi ấy.
Đẹp nhất không chỉ có mỗi tuổi trẻ. Đẹp nhất là những giây phút ta sống hết mình.
Mình rất muốn kết thúc bài viết này theo một cách hoành tráng nào đó, song nhận thấy một người có thể làm điều ấy tốt hơn. Trân trọng giới thiệu với bạn Gary Vee, người đã thực sự khiến cho mình học cách sống với thông điệp của bài viết ngày hôm nay.