Self-care: Chăm sóc bản thân hay cái cớ cho sự trì hoãn?

person holding book near brown wooden table
💡 Những con dao hai lưỡi có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong lựa chọn của mỗi chúng ta. Bài viết này thuộc Series “The Gray Line” (Đường kẻ xám), nơi mình thảo luận về những câu chuyện đa nghĩa trong cuộc sống.

It stands true that sometimes we may not want to get work done but we need to, for our mental health if nothing else. There’s a time for the bath and there’s a time to suck it up and graft.

— Grace Beverley, “Working Hard, Hardly Working: How to Achieve More, Stress Less and Feel Fulfilled”

Thấy suy? Đọc một cuốn sách. Bắt đầu một bài tập thể dục 15 phút. Đi ra ngoài hòa nhập với thiên nhiên. Đi tắm. Chăm sóc da. Mua một món quà nhỏ cho bản thân. Đốt nến. Nói chuyện với những người bạn thương yêu. Viết nhật ký. Xem bộ phim yêu thích.

Danh sách những ý tưởng cứ tiếp tục trải dài, nhờ vào một lượng không nhỏ những nội dung về chăm sóc bản thân (self-care) trên Internet.

Về bản chất những nội dung này không hề xấu. Nếu như ta có thể xây dựng những thói quen tốt từ những lời khuyên này, mình tin cuộc sống của chúng ta sẽ biến chuyển theo chiều hướng tích cực. Có ai thường xuyên đọc sách, chăm sóc sức khỏe tinh thần, chuyên luyện tập thể dục thể thao mà kết cục lại có cuộc sống tồi tệ cơ chứ.

Nó chỉ không ổn khi ta áp dụng sai.

Self-care, nhưng không thấy khá hơn

Bạn có bao giờ đang trong một kỳ nghỉ, khi đang ở giữa bãi biển và bạn có tất cả mọi thứ: cảnh đẹp, chơi vui, đồ ăn ngon – nhưng vẫn cảm thấy không thể thư giãn nổi?

Đó chính là cảm giác khi ta thực hiện self-care sai. Mặc dù ta có hội đủ những yếu tố tốt nhất làm nên một thời gian được cho là “hạnh phúc”, ta không cảm thấy nó ở bên trong mình. Chỉ có cái vỏ ở bên ngoài. Không có cái lõi ở bên trong.

Người trẻ những năm trở lại đây có trào lưu “trốn phố về rừng”, đi tìm về thiên nhiên để tìm lại sự an bình trong tâm. Tránh khỏi cái xô bồ của cuộc sống. Mình nghĩ cái này không mới. Hàng trăm năm trước đây, chẳng phải Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng đã:

“Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao.”

hay sao?

Vấn đề là trong bối cảnh cuộc sống với nhiều trách nhiệm và nghĩa vụ, ta không chỉ cứ đơn giản cứ thích là đi ở ẩn, là “trốn phố về rừng”. Và kể cả là ta có ở rừng rồi đi thì điều ấy cũng chẳng đảm bảo cho ta một cảm xúc yên bình, nếu như ta không biết cách làm lặng đi cái tâm ồn ào bên trong mình.

Trớ trêu hơn nữa, việc nhiều khi ta cảm thấy khó lòng khá hơn ngay cả khi đã thực hiện đầy đủ những đề mục “chăm sóc bản thân” đến từ nguyên nhân ta không xác định được đâu mới là vấn đề thực sự. Ví dụ như nếu bạn đang có một công việc đang bị trì hoãn nhiều ngày, và việc không làm và chỉ nghĩ về nó đang khiến cho bạn rất căng thẳng – thì việc tốt nhất để bạn có thể “chăm sóc cho bản thân” lại là …xông vào và làm việc.

Chứ không phải đi mua vé máy bay và trốn đi đâu đó.

Đâu mới là việc chính?

Trước đây, trong thời gian đợt dịch và ngay sau dịch COVID-19, mình biết đến và tiêu thụ rất nhiều văn hóa phẩm về self-care. Cũng bắt đầu xây dựng thói quen các thứ.

Mình có một thói quen như thế này: Hễ cứ có việc khó làm không nổi, hoặc không muốn làm – mình sẽ đọc sách.

Mình tự nhủ với bản thân rằng đọc sách cũng là một hình thức học hỏi và tiếp nhận thông tin. Thay vì dành thời gian ngồi bần thần và vật lộn với công việc khó nhằn kia, mình “tranh thủ” cho não nghỉ ngơi bằng cách đổi mới chủ đề cho nó.

Điều này thoạt nghe qua thì rất hợp lí. Cá nhân mình khi đọc sách mình thực sự khá tập trung, nên cũng nhờ nhiều lần như vậy mà mình lĩnh hội thêm nhiều hiểu biết mới mẻ. (Nói nhỏ: Những trích dẫn trong rất nhiều những bài mình viết là từ sách, và chủ yếu là từ thời gian mình đọc như đang nói ở đây.)

Nhưng không phải điều ấy lúc nào cũng tốt. Có nhiều khi, mình mải mê quá lâu với một quyển sách mà không dứt ra được khỏi nó. Đầu óc vốn cần tư duy vấn đề trước mắt giờ đây lại chuyển qua mơ tưởng về nội dung sách. Kể cả nếu mình có thể dứt ra được khỏi nó, việc đổi nhiệm vụ khiến cho mình mất nhiều năng lượng và cũng phải mất một thời gian mới quay lại được cái ban đầu.

Làm sao biết được?

Bởi xét cho cùng, mọi sự cố gắng không phải để cho người khác nhìn, quan trọng là những cố gắng ấy có thực sự chạm đến được nội tâm mình hay không, có giúp nâng cao bản thân lên hay không. (…)

Trông bề ngoài ngày nào cũng thức khuya, nhưng lại chỉ cầm điện thoại like dạo; trông bề ngoài đi học thật sớm, nhưng trong giảng đường lại chỉ ngủ bù giấc đêm hôm qua; trông bề ngoài ngồi cả ngày trong thư viện, nhưng thực ra chỉ bần thần suốt cả một ngày; trông bề ngoài là đến phòng tập gym, nhưng chỉ để bắt chuyện với mấy anh đẹp trai, mấy nàng xinh gái.

Ở bên cạnh chúng ta, luôn có một số người ghi chép rất nghiêm túc, nhưng kết quả học tập lại không được tốt lắm, cũng có những người thành tích học tập cực tốt, nhưng trông bề ngoài lại chẳng nghiêm túc gì cả. Rất nhiều người định nghĩa loại thứ hai là người thông minh, thực ra, bọn họ chỉ là những người có thể gạt bỏ được mọi cám dỗ trong lúc học tập, toàn tâm toàn ý cố gắng, tuy là những cố gắng ấy người khác không nhìn thấy được, nhưng trong thời gian học tập, họ không hề phân tán.

— Lý Thượng Long, “Bạn chỉ tưởng là mình đang rất cố gắng”

Thành thật mà nói thì lúc đọc tới đoạn này của Lý Thượng Long, mình cảm thấy “nhột” kinh khủng. Cảm giác như bị ai đấy tát vào mặt một vố ra trò. Bởi từ trước đến giờ cũng có nhiều lần mình thấy mình như vậy: Chỉ tập trung vào những thứ bề nổi mà không thực sự hoàn thành công việc cốt lõi thực sự.

Câu chuyện là công việc thực sự bao giờ cũng là thứ cần thời gian và công sức. Công sức theo nghĩa là nó làm bạn phải vò đầu bứt tai, hoặc chí ít là cũng khiến bạn phải thực sự động não hoặc động chân động tay – chứ không phải kiểu công việc “admin” dọn dẹp loăng quăng hời hợt. Có thể có nhiều lí do, song đây là một trong những lí do lớn nhất mà mình tin khiến cho chúng ta có xu hướng trì hoãn.

Bài toán khó ở đây là những lựa chọn khác khiến cho bạn phân tán khỏi công việc thực sự lại rất nhiều khi, có biểu hiện giống như cái công việc chính kia. Bạn không những “lừa” được những người khác mà còn “lừa” được cả chính mình. Việc bạn lựa chọn ngả lưng và xả hơi là bởi vì bạn thực sự cần điều ấy, hay đó chỉ đơn giản là bạn đang bỏ dở một dự án cần phải làm? Việc bạn offline và không phản hồi nữa là vì bạn cần không gian cho bản thân mình, hay là do bạn đang chạy trốn khỏi một nghĩa vụ hay một bất đồng đòi hỏi bạn giải quyết? Chúng ta không thể cứ mỗi lần bắt đầu gặp khó khăn là bỏ đi mua sắm, đắp một cái mặt nạ và ngồi xem phim, tất cả nhân danh “chăm sóc bản thân”.

Mình nghĩ rằng người duy nhất trả lời được những câu hỏi này là chính bạn.

Bởi vì sao? Vì người khác không dễ mà nói được cho ta những thứ như thế. Có thể họ không nhìn ra, vì ta diễn quá giỏi – ta còn lừa được chính mình nữa là. Nhưng nếu họ nhìn ra thật, thì cũng không có điều gì bắt buộc họ phải nói cho ta. “Sự thật thì mất lòng”, và sự thật kiểu này cũng nằm trong loại đó. Có thể họ chẳng bao giờ nói. Có thể họ nói, nhưng không bao giờ tới cái mức độ thực sự thẳng thắn như ta có thể làm với chính bản thân.

Để làm được điều ấy thì việc ta phải thành thật với chính mình. Nhưng việc thành thật ấy không dễ. Trải nghiệm cá nhân: Khi mình “nói thẳng” với chính mình trong những lần viết phản tư, mình cảm thấy “thốn” không khác gì khi có ai đó khác nói với mình những điều như vậy. Bao nhiêu cái ngu ngốc, cái tôi, lười biếng, vô tri – cứ lần lượt bị bóc ra như bóc hành. Mà bóc hành thì cay, cay lắm các bạn ạ.

Nhưng may mắn thay, cái sự “cay” nó chỉ ở thời gian ấy thôi.

Sau này khi quá trình hoàn thiện bản thân đã tiến lên một bước sau cái lần “bóc hành” ấy, mình cảm thấy thực sự biết ơn bản thân vì đã làm như thế. Đơn giản là bởi vì mình thấy một con người mình tốt hơn so với ngày hôm qua.

Và vì sau lần ấy, nếu mình có gặp lại trường hợp tương tự, mình biết khi nào mình cần đóng máy đi chơi, và khi nào cần ngồi lại và viết nốt những dòng xanh đỏ.