Ai mới là người cần thay đổi: Bạn hay họ?

eggs in tray on white surface
💡 Những con dao hai lưỡi có ở khắp mọi nơi, ngay cả trong lựa chọn của mỗi chúng ta. Bài viết này thuộc Series “The Gray Line” (Đường kẻ xám), nơi mình thảo luận về những câu chuyện đa nghĩa trong cuộc sống.

Tháng 3 vừa rồi, mình có cơ hội được tham dự ngày Quốc tế Phụ nữ (IWD) “Dare To Be” và Flutter Forward Extended Hanoi 2023 tổ chức bởi GDG Hanoi, GDG Cloud Hanoi và Women Techmakers.

Lặn lội mò đường tới NIC (National Innovation Center – Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia) vào một sáng thứ 7 âm u và thâm lâm mưa, mình đã không kì vọng gì nhiều. “Có lẽ vẫn lại là một sự kiện tech talk như mọi khi.”

Nhưng may mắn là mình đã không phải thất vọng.

Ở đây mình đã được gặp Andrea Wu, Relations Engineer của Google Firebase Team. Qua nghe bài thuyết trình và nói chuyện trực tiếp, mình nhận ra mình và chị ấy có nhiều điểm giống nhau đến buồn cười. Kết cục là đến khi hết giờ, mình cùng khoảng 2-3 người khác làm thành một nhóm túm tụm quanh Andrea và tranh luận đủ thứ trên trời dưới biển với nhau.

Mặc dù là Andrea thuộc team Firebase thật, nhưng bài nói của chị ở IWD thì lại không đụng chạm gì đến chủ đề công nghệ. Với tiêu đề “10 (Counter)Beliefs Helping You Succeed”, những gì chị ấy chia sẻ là một chuỗi những câu chuyện đời thường và trải nghiệm cá nhân, cùng với những gì chị tin là “niềm tin cũ” và đưa ra một sự thay thế bằng một “niềm tin mới” tốt hơn.

Trong 10 thứ mà Andrea chia sẻ có hai ý như thế này:

Ý tưởng 1

Belief: “Things have to be done the way they always have been done or because everyone else is doing it.” (Mọi thứ cần phải được làm theo cái cách nó vốn vẫn được làm vì tất cả những người khác đều đang làm nó như thế.)

Counterbelief: “True to some extent, but if you don’t like the way things have been done, change it. If you want to do something differently, do it.” (Đúng tới một mức độ nào đó, nhưng nếu bạn không thích cái cách cũ kia, hãy thay đổi nó. Nếu bạn muốn làm theo cách khác, hãy làm nó.)

Ý tưởng 2

Belief: “I must take feedback and change accordingly.” (Tôi cần phải tiếp nhận phản hồi và thay đổi theo đó.)

Counterbelief: “Think about whether the feedback make sense to you.” (Nghĩ xem liệu phản hồi ấy có thực sự hữu ích với bạn hay không.)


Nếu bạn đọc được kha khá những gì mình từng viết, hẳn bạn cũng biết mình là một người có phần nào khá ám ảnh với câu chuyện “luyện tập có chủ đích” (deliberate practice). Một trong những yếu tố cần phải có của việc luyện tập này chính là những phản hồi. Nếu như bạn cứ tập và tập, nhưng không có một ai đó nói cho bạn rằng cái bạn đang làm là đúng hay sai, sẽ rất khó để bạn đưa ra thay đổi phù hợp và thực sự tiến bộ một cách hiệu quả. Giống như kiểu làm bài tập nhoay nhoáy nhưng không hề so lại bài với đáp án đúng vậy, chỉ được cái nhanh và …không gì nữa cả.

Khi mình nhận thức được rằng mình cần phải có phản hồi để giỏi hơn một cách hiệu quả hơn, mình bắt đầu để tâm hơn tới những nhận xét mình nhận được. Thậm chí còn đòi người khác nhận xét thêm.

Photo by Tim Gouw on Unsplash

Nếu như những nhận xét luôn luôn đúng và cần thiết cho bạn, cộng với việc chỉ cần thay đổi theo nó là bạn tốt lên thì nó lại gọi là “game này quá dễ”. Cuộc sống thì không như thế: Có những thứ hoàn toàn chẳng có ích gì cho bạn, hoặc có những thứ thậm chí bạn còn chẳng hiểu để mà áp dụng.

Vấn đề thực sự bắt đầu từ đây. Một vài trường hợp bạn có thể gặp:

Luồng thông tin trái chiều

Cùng là một võ thuật, song lại có nhiều môn phái khác nhau. Cùng là một tôn giáo, song lại có những dòng thực hành khác nhau. Chẳng thiếu gì ví dụ về những điều như thế. Đôi khi ta học nhiều thầy và các thầy bất đồng quan điểm – người hoang mang nhất lại là người học trò ở giữa.

Đúng người, sai thời điểm

Có những thứ tốt cho ta nhưng nó đến sai thời điểm. Nó đến vào lúc ta chưa đủ đầy kiến thức để hiểu. Hoặc nó đến vào lúc ta không sẵn sàng để tiếp nhận. Dù là lí do gì, ta hoàn toàn không thể “tiêu hóa” được bài học đó.

Có gì đó “sai sai”

Điều này thường xảy đến khi nhận xét mà bạn có không khớp với kỳ vọng hoặc tiếng nói bên trong của bạn. Đối với mình đây là trường hợp khó nhất. Có thể người đưa phản hồi có ý tốt, nhưng nó đơn giản là không phù hợp với bạn và bạn nên cảm ơn nhưng không nhất thiết phải thay đổi. Nhưng cũng có thể đó là một bài học mà bạn cần nên học và nên dẹp cái tôi sang một bên. Có khi đó đơn thuần là một điều sai bét.

Tệ nhất là trường hợp người nhận xét bạn thực ra chỉ có ý muốn chơi xấu bạn mà thôi. Bạn làm ổn nhưng họ nói là không – và nếu bạn cứ bận tâm với điều ấy thì nó lại chẳng tốt lành gì.

Question of the Day

Và thế là với đủ những suy nghĩ bay nhảy trong đầu, mình hỏi Andrea hai câu hỏi:

  1. Làm sao để tôi biết được khi người ta nói rằng tôi cần thay đổi là vì tôi thực sự cần làm như thế? Hay đó chỉ đơn giản là một thứ không phù hợp và tôi nên kệ nó đi?
  2. Khi rất nhiều người nói tôi cần thay đổi, liệu đó có đúng là tôi cần thay đổi? Hay đó chỉ là những thứ mọi người trước đây vốn đang làm và họ sợ rằng tôi sẽ phá đi cái cố hữu bấy lâu nay và mong muốn tôi phải quy phục? Liệu làm theo ý tôi muốn là một hành động của sự đổi mới sáng tạo, hay chỉ đơn giản là cái bồng bột của bản ngã?
Andrea Wu, (áo xanh, đứng ở giữa) đang nói chuyện lúc Tea Break cùng với một nhóm nhỏ tụi mình. Mình (cặp đỏ) đang chuẩn bị tinh thần “tra khảo” diễn giả với mớ câu hỏi trong đầu.

Nói thật với bạn là đến giờ viết lại ra đây mình cũng vẫn thấy …khoai, vì những câu hỏi này không hề dễ trả lời tí nào. Không hề có một mẫu số chung cho tất cả mọi người, chưa kể là mỗi trường hợp lại một khác. Có thể lần này bạn nên làm kiểu này, nhưng lần khác thì nên nghe theo kiểu kia.

Không chỉ Andrea mà tất cả những anh chị đứng xung quanh mình lúc đó cũng rơi vào trầm ngâm. Sau đâu đó khoảng 1 phút im lặng, mọi người bắt đầu góp ý với nhau. Cộng thêm ý kiến cá nhân, dưới đây là một vài giải pháp mình mong là sẽ hữu ích:

Thu thập từ nhiều nguồn

Giống như bất kỳ một nhà phân tích dữ liệu nào sẽ bảo bạn: Việc cần làm đầu tiên cứ là thử tăng “kích thước mẫu” (sample size) lên – tức là hỏi xin thêm nhiều ý kiến từ những người khác nữa – sẽ giúp bạn mong có thêm nhiều thông tin để đưa ra quyết định.

Thường thì điều này sẽ giúp bạn vượt qua một số rất ít những “kẻ chơi khăm” – hay “outlier”, nói như thuật ngữ của xác suất thống kê – những người mà nhận xét từ họ khác với đa số.

Điểm yếu của phương pháp này chính là việc nó mặc định rằng số đông sẽ đưa ra câu trả lời đúng, và không khắc phục được thiên kiến có sẵn (bias). Nếu như số đông sai và thực ra kẻ lạc loài trên kia lại là người có ý kiến đúng thì bạn rất dễ loại bỏ mất họ nếu chỉ làm như thế này.

Thử nếu có thể

Andrea khuyên là nếu như ta chưa biết là nên đưa ra quyết định nên làm theo hướng người khác bảo hay làm tiếp những gì ta đang làm thì ta nên thử cả hai. Đặt ra một khoảng thời gian chẳng hạn, và trong thời gian đó làm theo những gì người khác bảo bạn, xem kết quả ra sao. Liên tục phản tư và nhìn nhận cho mình xem liệu mọi thứ có đi đúng hướng hay không. Nếu không, hãy thử cách còn lại.

Điểm yếu của phương pháp này là không phải lúc nào chúng ta cũng có thể thử nghiệm. Có cái làm là làm thật, sai là toi, không có chuyện được “xé nháp làm lại”. Kế theo đó là việc tự nhìn nhận sau đó không phải lúc nào cũng cho ra một kết quả rõ ràng, và có khi, thử theo cách nào thì cũng chẳng có mấy khác biệt. Khi ấy thì mình nghĩ là bạn vứt não đi được rồi – vì những cách đầy não này đã không chứng minh được hiệu quả – thay vào đó hãy dùng đến con tim thì hơn.

Biết mình muốn gì

Công cụ mạnh nhất và cũng là thứ rất tốn thời gian (hoặc không gian, hoặc cả hai) để có thể đạt được – sự nhận thức bản thân. Mình sẽ chẳng bao giờ nhấn mạnh được đủ tầm quan trọng của điều này: Nếu bạn biết bạn thực sự muốn gì và đang muốn đi về đâu thì tự khắc bạn sẽ có cho mình những bộ lọc vô cùng hữu hiệu.

Đối với cá nhân mình, công cụ này không phải là thứ one-time purchase, tức mua một lần là xài được cả đời, hay có là có nó mãi. Mọi thứ lên xuống khó đoán định, và ta lúc nào cũng có cơ hội để nhận ra cái mới về bản thân mình. Nên mỗi lần tìm tới nó là mỗi lần bạn cần phải ngồi xuống và làm việc với bản thân.