Kiểu gì nó cũng sẽ đến, cái sự nghi ngờ ấy
“Em có nghe những nghệ sĩ vẫn hay nói không… Rằng để làm ra tác phẩm này, tác phẩm kia, anh ta đã dành rất nhiều thời gian cho nó.”
“Vậy liệu khi anh đang ở giữa chặng đường thử nghiệm của mình, có khi nào anh cảm thấy mất kiên nhẫn hay mất niềm tin vào cái mình đang làm không?”
“Trời ạ! Có chứ man… Nhiều là đằng khác ấy chứ! Có những ngày chỉ muốn vứt giày đi, chẳng hiểu mình đang nhảy cái kiểu gì. Anh chỉ nói cho chúng mày những thứ màu hồng [là thành quả] thôi.”
Trên đây là một đoạn nói chuyện giữa mình và anh Quay Trần trong một tối trà đá gần đây của lớp Hip Hop Experimental mà anh dạy. Sau lớp học, thỉnh thoảng lớp lại đi uống trà đá, ngồi vỉa hè phố Hà Nội, nói chuyện bàn luận đủ thứ trên trời dưới biển: Về khoa học cơ thể, về thực hành nghệ thuật, về con đường sự nghiệp, về tình yêu, về chánh niệm… đủ thứ cả. Những thứ chủ đề mà mình nghĩ ai trong những năm tháng tuổi trẻ của mình đều ít nhiều tranh luận với bạn bè.
Trả 7 nghìn đồng cho một cốc trà đá mà đá nhiều hơn trà, hít bụi mịn và nghe tiếng còi xe ầm ĩ bên tai, nhưng mình vẫn cảm thấy quá biết ơn vì những cơ hội như thế này là lúc mình học được nhiều bài học đắt giá nhất.
Hóa ra những người mà mình vốn chỉ nhìn thấy thành quả của họ, khi ở một mình họ cũng đã phải chật vật đến nhường nào.
Tin tưởng giúp gì được cho ta?
Niềm tin giúp chúng ta bớt phải lo nghĩ về những câu hỏi kiểu gì cũng xuất hiện trong quá trình rèn luyện.
“Mình đang làm cái quái gì vậy nhỉ?” sẽ được đặt tạm sang một bên nhờ những niềm tin như vậy. Thay vì dừng lại để tiếp tục lo lắng và suy nghĩ, ta cắm cúi đi tiếp nhờ vào những “có Chúa sẽ lo”, hay “tôi tin bản thân mình sẽ làm được”.
Dĩ nhiên, nếu có cơ sở, niềm tin tự nó sẽ hình thành và thường thể hiện dưới sự tự tin. Mà khi bạn đã tự tin rồi thì thường cũng khó có khi nào bạn cần níu lấy một niềm tin nào đó khác.
Nhưng với trường hợp ta phải tin khi không có gì phải vin vào thì nó khó hơn nhiều. Giống như kiểu leo đến lưng chừng núi bỗng nhận ra không còn chỗ bám nào đủ vững chắc.
Nếu bỏ đi tất cả để quay trở lại, không đi tiếp nữa thì ta cũng phải chấp nhận việc mình không chinh phục được đỉnh núi đó.
Còn nếu chọn đi tiếp với thử thách phía trước thì hẳn bạn cũng biết – câu chuyện ấy sẽ khó hơn nhiều.
Niềm tin không hoàn hảo
Trong bộ phim Ted Lasso, nhân vật chính Ted đã dán một tờ bìa vàng trước cửa phòng làm việc của ông vào ngày nhậm chức như thế này:

Và sau đó, trong suốt mùa giải của đội bóng, ngay cả sau những thất bại ê chề của đội bóng cũng như những vấn đề cá nhân xảy đến với ông, Ted vẫn đi qua cửa phòng và đập tay lên tờ bìa ấy. Nó như một lời nhắc nhở đội bóng và chính bản thân ông, tin vào một thứ niềm tin có thể không mấy hoàn hảo.
Tại sao mình lại nói đó là niềm tin không mấy hoàn hảo? Vì nó là thứ niềm tin có phần nào ngây thơ, được tạo dựng trên một cái nền thiếu cơ sở. Bạn cứ thử tưởng tượng xem, nếu bạn đi đá bóng hoặc làm bất kỳ thứ gì đó tương tự, nếu như bạn thua một loạt trận liên tiếp thì bạn cảm thấy sao? Hẳn phải có lí do để nghi ngờ chính mình chứ. Đấy là chưa kể phản ứng từ phía bên ngoài, người này người kia nói cho bạn biết rằng bạn kém cỏi.
Giữ lấy cả hai mà bước tiếp
Trước đây mình từng ghét cay ghét đắng mỗi lúc người ta khuyên mình rằng “Em phải có niềm tin”, dù là với bản thân hay với những gì mình đang làm. Vốn là loại người nghĩ nhiều, đối với mình, sự nghi ngờ và đặt dấu hỏi đã gần như là một trạng thái thường trực. Mình đã thử cố để mà “tin”, song cuối cùng vẫn phải vứt bỏ cái nỗ lực ấy đi vì nó chẳng đem lại gì cả.
Có vẻ chúng ta đã quá đề cao những gì mà niềm tin có thể làm.
Trong số rất nhiều những câu chuyện thành công của những người nổi tiếng, mình thường thấy rất nhiều khi ngữ cảnh trong những gì được kể bị lược bỏ. Chúng ta hay nghe họ kể rằng khi họ gặp khó khăn trong cuộc sống, họ luôn luôn giữ vững niềm tin để rồi một ngày nọ, họ làm được cái mà họ hằng ước mơ.
Mình nghĩ câu chuyện họ kể không sai. Chỉ là nó thiếu đi một vài thứ.
Việc có niềm tin, dù có cơ sở hay không, không phải chiếc đũa thần kỳ xua tan mọi nghi ngờ hay sự không chắc chắn. Giống như việc biết cách học thông minh không đồng nghĩa với việc bạn được học ít đi và chơi nhiều hơn. Giống như việc biết cách làm việc hiệu quả không đảm bảo cho bạn rằng công việc của bạn ít khó khăn hơn, giống như cái cách Grace Beverly lập luận trong cuốn “Working Hard, Hardly Working” của cô:
I don’t buy into the whole, almost cult-like, ‘work smart so you don’t have to work hard’ rhetoric. Working smart is hard. It requires a lot of time spent getting to know yourself, and a good dose of tough love.(…) It seems unfair to create the expectation that, once we’ve learnt to work smart, it’s all smooth sailing.
Nếu có một điều gì đó niềm tin có thể làm, ấy là cho ta một lí do để đi tiếp.
Hóa ra mình ghét người ta khuyên mình như vậy, vì mình có những kỳ vọng không thực tế vào việc nuôi dưỡng một niềm tin.
Bức tranh của anh hôm qua không có em
— Suboi, “Ngày Lại Ngày”, NO-NÊ
Đức tin của em hôm nay không có tên
Thế ta là ai đứng bên những ngó sen
Ngồi lặng và thấy tim mình đang reo lên
Có thể sự tin tưởng sẽ giúp bạn vơi đi phần nào cái lo lắng chất chứa trong lòng, có thể không. Nhưng nó là cái tối thiểu, giống như một chiếc lốp dự phòng trong cốp xe, giúp bạn không đứng lại một chỗ, hay buông tay với cuộc sống này.
Upon your belief, there is still work needed to be done.