Our public conversations are in a state of crisis – they’re stuck. It’s people fully convinced of their views, shouting at each other from a distance. One of the reasons why we find it so difficult is, I believe, because the skills of good argument have been atrophying for some time.
We no longer view argument as something to be worked at, rather we see it as something we jump into out of instinct or defensiveness. The bad arguments that result decrease our confidence in what disagreements can do for us- so the quality of the conversation further degrades. I think we need to restore confidence and faith in what disagreements can be, and to highlight its potential as a source for good as well as a source for ill.
— Bo Seo, 2 lần Quán quân thế giới WSDC & WUDC; Nguyên huấn luyện viên Đội tuyển Tranh biện Quốc gia Úc & Havard College Debating Union. Nguồn: Big Think, “Train for any argument with Harvard’s former debate coach”.
Cú hích tự chọn
Ở trong những buổi thuyết trình khi mình đi học, cứ đến lúc hết bài thuyết trình và tới giờ nhận xét phản biện giữa các nhóm thì không khí lớp lại yên ắng đến lạ lùng. Không kể tới chuyện có những người hoàn toàn không quan tâm lắng nghe, có những người cũng nghe nhưng vì một lí do nào đó, lại khá dặt dè trong việc đưa ra lời nhận xét.
Mình mang tiếng là đứa hay hỏi nhiều. Lần nào cũng vậy, vừa mới hết câu “Cảm ơn thầy cô và các bạn đã lắng nghe” của người đang thuyết trình là cả chục cặp mắt trong lớp lại đổ dồn về mình. Và khi ấy thì 9 trên 10 lần, cánh tay của mình lại giơ lên, trong cái thở dài và ánh mắt đầy trách móc “Hãy tha cho tụi tao” của nhóm thuyết trình lúc bấy giờ.
Nếu các bạn làm bài cho xong thì không nói. Và mình biết khi nào nó là như thế, để cho các bạn sự thanh thản khi đã hoàn thiện bài tập. Nhưng cũng có nhiều lúc, các bạn muốn bài tốt, điểm số cao. Bạn cùng lớp hỏi cũng ngại. Thầy cô hỏi thì còn ngại hơn.
Tại sao các bạn lại không sẵn sàng đón nhận một khúc mắc, hay một ý kiến trái chiều, điều có thể giúp các bạn soi lại mình và cải thiện bài làm tốt hơn?
Và tại sao các bạn lại giữ lại những điều mà mình muốn phản biện ở trong đầu và không bao giờ nói ra?
Việc thích những người đồng quan điểm và điều phù hợp với mình là bản năng con người. Nó giúp ta xác nhận được những gì mình tin yêu, đem lại cho ta một cảm giác an toàn và được công nhận. Và cũng vì con người là giống loài xã hội, chúng ta né tránh những xung đột hết mức có thể.
Điều này thể hiện rõ ràng nhất ở cách mà chúng ta sử dụng mạng xã hội. Nhờ có những thuật toán gợi ý mạnh mẽ, giờ đây trên bảng tin của mỗi người là những “bong bóng thông tin” chỉ chứa toàn những quan điểm và góc nhìn phù hợp với chính họ. Không thích ai, không hợp với cái gì thì block. Nếu như việc tiêu thụ thông tin là một chế độ ăn dành cho bộ não của chúng ta, thì có thể nói ta đang ăn những bữa ăn thiếu dinh dưỡng nhất từ trước đến giờ.
Không riêng gì thế giới mạng, ngày hôm nay, chẳng khi nào người ta lại có thể dễ dàng từ chối những xung đột như thế. Ngồi im và tỏ vẻ không liên can. Tự đánh lạc hướng và tìm trò tiêu khiển khác sau màn hình tinh thể lỏng. Hoặc bảo những người khác, “Đừng đặt câu hỏi gì nhé, cứ gật đầu đồng ý đi là được.”
Nhưng chính nhờ mâu thuẫn, chúng ta được thách thức và khám phá những giải pháp mới, mở rộng kiến thức và tiến bộ. Nó là ngọn lửa thúc đẩy sự tiến bộ của con người.
Lắng nghe và được lắng nghe
Hồi những format tranh biện trên truyền hình bắt đầu xuất hiện và được nhiều người biết đến, mọi người hay nói đùa với nhau là “Bọn debater là cái tụi chửi nhau có học thức”.
Cũng không hẳn. Khi người ta đã gọi là “chửi nhau” thì chẳng bên nào chịu lắng nghe bên kia. Ai nấy khư khư giữ cái thế giới quan từ đầu trước khi bước vào cuộc tranh luận. Tất cả những gì họ quan tâm là chứng minh bản thân mình đúng, chứ không phải là tìm hướng giải quyết tốt đẹp nhất cho đôi bên. Kéo dài thêm một thời gian, và thế là hai bên không còn nhắm vào vấn đề mâu thuẫn ban đầu mà quay sang công kích cá nhân.
Còn tranh biện viên thì khác. Chúng ta chỉ có thể nói khi lắng nghe được những gì có từ phía bên kia. Format giới hạn thời gian của truyền hình khiến cho nhiều thí sinh phải “bắn chữ” thì mới mong trình bày hết được luận điểm của mình – do đó khiến nhiều người xem hay bình luận như vậy. Trên thực tế, bạn không cần (và cũng càng không nên) tỏ ra rằng mình nói nhanh, nói nhiều, nói ồ ạt, áp đảo mọi tín hiệu hay phản hồi từ người khác – trừ phi nói nhanh là phong cách của bạn.
Mình đã đi thi những cuộc thi mà ở đó, người nói ôn tồn và từ tốn nhất từ đầu đến cuối giải lại chính là Best Speaker.
Để thắng, cần biết đặt bản thân vào vị trí đối thủ
Một tranh biện viên tốt sẽ nói với bạn rằng họ không bao giờ chỉ biết ngồi và suy nghĩ mãi về những luận điểm cho phe của mình.
Sẽ đến lúc bạn cần phải lấy ra một tờ giấy mới, bạn đặt mình vào bên đối thủ và bắt đầu suy nghĩ để xây case cho bên họ. Đó là bài tập mang tên “đổi vai”. Việc làm này sẽ giúp bạn có một cái nhìn mới đa chiều, nhìn nhận ra được những chỗ mình đã bỏ sót, và có thể là dừng lại trước một vài điều mà có thể bạn đã sai.
Chính cái dừng lại ấy là điều làm nên những sự khiêm tốn, thông cảm và khách quan – những yếu tố làm nên những con người văn minh hơn bên bàn đối thoại – với những xung đột vốn hoàn toàn không thể tránh khỏi từ sự khác biệt giữa người với người.
Vậy thì, làm sao để có những mâu thuẫn tốt hơn?
Bí kíp 1: Tiết kiệm năng lượng
Để mong phát triển được từ những sự mâu thuẫn, việc đầu tiên ta cần làm là phân biệt được mâu thuẫn nào sẽ giúp ta phát triển, và mâu thuẫn nào đơn thuần là một sự hao tổn năng lượng.
Theo Bo Seo, có 2 câu hỏi mà chúng ta có thể hỏi trước khi quyết định bước vào bất kỳ cuộc tranh luận nào:
- Liệu mâu thuẫn này có nhất thiết phải được giải quyết để chúng ta có thể tiến lên trong cuộc tranh luận?
- Nếu không, việc chúng ta thử thách điều ấy có giúp tạo nên sự tiến bộ trong bức tranh xung đột toàn cảnh hay không?
Bí kíp 2: Nhớ đến mục đích cuối
Mặc dù văn hóa thi đấu của tranh biện đã nhiều lần quảng bá việc xác định kẻ thắng người thua, song mục đích cuối cùng của tranh biện – trong suốt chiều dài lịch sử của nó – chưa bao giờ là điều ấy.
Bạn cứ tưởng tượng nhà vô địch của bạn đứng một mình và thao thao bất tuyệt với những luận điểm sáng chói của anh ta mà xem.
Không có phía bên kia, anh ta không thể nào tiếp tục đào sâu và phát triển thêm bài nói của mình.
Mà đứng nói như vậy thì lại là hùng biện mất rồi còn đâu.
Tới cuối ngày, việc hai bên cùng phấn đấu là đào sâu vào những ý kiến của chính mình và đối phương, nhằm tìm ra những điều mới, những gì tốt nhất để xây nên thế giới. Một thế giới mà không bên nào riêng lẻ có thể đi tới một mình.
Nếu bạn trả lời “Có” cho một trong hai câu hỏi ở Bí kíp 1, hãy đảm bảo rằng những gì bạn làm sau đó đi liền với mục đích đem lại tiến triển trong việc giải quyết mâu thuẫn.
Bí kíp 3: Đánh vào điểm mạnh của đối phương
Nếu bạn đi học võ hay một thứ gì đó tương tự để tự vệ, khả năng là bạn đã nghe lời dạy “Nhằm vào điểm yếu của đối thủ mà tấn công.”
Tuy nhiên điều này không còn đúng lắm với tranh biện.
Đối với một cuộc tranh luận, việc đi tìm những ý vụn vặt, tủn mủn của đối phương để phản bác lại không những khiến cho cuộc đối thoại có nguy cơ đi lạc đề, nó còn làm cho ý mà bạn nói thiếu đi sự quan trọng. Vì cái mà bạn đang phản biện là thứ có ít giá trị trong mâu thuẫn này, những luận điểm mà bạn đưa ra sau đó không đóng góp gì nhiều cho sự phát triển chung.
Bạn cần phải đi tìm những điểm mạnh của đối thủ, và tập trung động não để có thể phản biện được nó.
Khi ấy, nếu bên kia có khả năng, họ cũng sẽ đưa ra một thứ còn tốt hơn nữa.
Và cứ như thế, một khi mâu thuẫn được giải quyết, đôi bên sẽ càng có nhiều giá trị hơn để ở lại với nhau.