On Debate: Phần 1 – Để đóng góp, bạn không cần phải là một chuyên gia

professional person talking on microphone

“Cô không quan tâm các em giỏi giang đến đâu, hiểu biết đến cỡ nào. Khi bước vào căn phòng này, các em phải để lại mọi định kiến và cả kiến thức của cá nhân bên ngoài cánh cửa.”

— Cô Phan Mỹ Linh, buổi Tập huấn cho Giám khảo độc lập, Chuyên Nguyễn Huệ Debate Open (CDO) 2019

Tháng trước, cô bạn thân bên trường Luật nhắn tin hỏi mình xin kinh nghiệm đi thi Moot Court. Mình á khẩu, bảo hồi ấy tôi làm luật sư có bảo vệ được thân chủ đâu, lên nói được tí tẹo, dựng case thì yếu, luận điểm sơ sài, bị thẩm phán mắng cho mấy câu (thực ra chỉ là hỏi với giọng vô cùng nghiêm khắc) suýt khóc ngay tại chỗ. Tạch ngay từ vòng gửi xe.

Nhưng cô nàng vẫn kì kèo. “Thôi thì bà cứ chỉ cho tôi ít kinh nghiệm.” Mình nhắn lại cho nó câu nói của cô Linh ở trên kia, điều duy nhất còn sót lại sau khi mình đã quên sạch tất cả những kỹ thuật đã được học trong buổi training năm ấy.


Chúng ta hay nghĩ rằng khi bản thân vào vị trí của những người phải “nói” – như giảng viên, giám khảo, người sáng tạo nội dung,… – ta phải tập trung mổ xẻ những cái đúng cái sai, đưa đánh giá và phản hồi tới với đối tượng của mình. Điều này đúng, song cách suy nghĩ này không phải lúc nào cũng hiệu quả. Nó đặt lên vai ta một cái áp lực rằng ta cần phải biết mọi thứ, trả lời được mọi câu hỏi, hoặc là tỏ ra uyên bác và đầy kinh nghiệm. Nếu không có một trong những điều ấy, thì ta là ai mà có tư cách đưa ra những lời ấy?

Nhưng nếu chúng ta đợi mãi tới ngày mình trở thành chuyên gia để có thể có “tư cách” đóng góp hay đưa ý kiến cho ai đó hoặc thứ gì đó, có lẽ mãi mãi chẳng bao giờ có những cuộc đối thoại để thế giới này hoàn thiện hơn.

Photo by Sincerely Media on Unsplash

Mình nghĩ nhiều về điều mà cô Mỹ Linh đã dạy ngày hôm ấy. Trên phương diện một giám kháo độc lập, việc vứt bỏ định kiến để có thể tiếp nhận những luận điểm và thế giới mà các tranh biện viên vẽ nên là điều cần thiết. Một giám khảo chấm dựa trên những gì mà tranh biện viên bày lên bàn cân, chứ không phải những gì người chấm đánh giá về những luận điểm này là đúng hay sai với thế giới quan của họ.

Nói cách khác, người giám khảo chỉ có thể chấm một cách khách quan nhất khi anh ta hay cô ta cho những người tranh biện viên một cơ hội để dạy họ những điều mới. Giống như cái cách ta không thể đổ thêm vào một cốc nước đã đầy, việc người chấm vác theo đủ thứ quan điểm và kiến thức về những điều họ cho là đúng vào phòng thi tranh biện hoàn toàn phản tác dụng.

Nếu như bạn là một tranh biện viên, việc hiểu sâu và hiểu kỹ về vấn đề, có nhiều kiến thức và góc nhìn về kiến nghị đề bài là một lợi thế.

Nhưng nếu bạn là một giám khảo, việc có những điều ấy sẽ ít nhiều phản tác dụng.

Vì vậy, lần tới, nếu như bạn phải đứng vào một vị trí như vậy, hãy thử suy xét xem những người mà bạn định đánh giá tới đây đã dạy cho bạn những điều gì. Và đánh giá – có lẽ nó nên dùng từ “đóng góp” thì hơn – điều ấy bằng tâm thái cống hiến và sẻ chia những điều mà bạn có.


Quay trở lại với cô bạn của mình. Vốn được chọn là Công tố viên ở thời điểm ban đầu, bạn đã lựa chọn thay đổi để trở thành thành viên của Bồi thẩm đoàn. Một vị trí đúng với ý nghĩa của điều mình nói trên đây: Có những vai trò mà, bạn không cần phải có đủ đầy kiến thức chuyên môn để có thể mang đến những giá trị.