“Bội thực” Hip Hop
Gần đây mình xem story một người chị bạn, chị ấy có share lại QnA của anh rapper WEAN trên Instagram (@weantodale) như thế này:

Quay ngược xa xa về trước một chút thì mình và chị ấy là hai trong số những người tham gia quá trình training trainee 3 tháng vừa mới kết thúc gần đây của nhóm Wonder Sisters. Cả mình và chị đều đã học được nhiều thứ, và chúng mình cũng chia sẻ cho nhau những cảm giác rất chung.
Một trong những chia sẻ chung đó chính là một cảm giác “bội thực” Hip Hop. Nghe buồn cười nhỉ? Đi casting vào nhóm nhảy Hip Hop, phải đi học đi làm mà vẫn dành thời gian đi nhảy, học văn hóa, nghe nhạc, giao lưu cộng đồng suốt ngày, nghe quá giống đam mê cháy bỏng chứ sao lại có thể là “bội thực” được.
Nhưng chúng mình “bội thực” thật sự. Có những ngày mà chỉ nghĩ đến chuyện bật nhạc lên để “tập freestyle” thôi là đã thấy ngán. Người ta bật nhạc lên để chill, còn mình nghe thấy nhạc là đã thấy áp lực. Đến studio là nghe thấy nhạc, 7 ngày một tuần, 2-3 tiếng một ngày, mình hầu như không còn mấy khi cắm tai nghe nghe nhạc khi đi nơi nào khác nữa. Đơn giản là mình đã nghe quá nhiều, nghe trong cái luyện tập có nhiều phần căng não, đến lúc dứt được khỏi nó thì chỉ muốn là dứt hẳn thôi.
Trước đây mình từng nghe một vài tâm sự của những người bạn học nhạc cụ biểu diễn. Họ thuộc một lượng lớn các tác phẩm, mỗi tác phẩm thì lại gắn với một cảm xúc khác nhau. Nhưng luôn luôn có ít nhiều những tác phẩm đã khiến họ phải “vật lộn”, điều mà khiến cho họ, khi nghe nó được bật lên ở đâu đó khác bên ngoài phòng tập hay nhà hát đều phải lộn tròn con mắt và thở dài ngán ngẩm. “Ôi, lại là bài này à!”
Nói như vậy là để bạn hiểu rằng chúng ta có khả năng gắn được cảm xúc với âm thanh, đặc biệt là âm nhạc như thế nào. Khi ta cảm thấy liên tục một cảm xúc cùng với một âm thanh nào đó, thì sau nhiều lần lặp lại, khi âm thanh ấy xuất hiện nó hoàn toàn có khả năng kích hoạt lại cảm xúc ấy ở trong ta.
Kéo giãn ra khỏi vùng an toàn
Nếu như bạn thực sự nghiêm túc với một thực hành nào đó, việc luyện tập nó không đơn thuần chỉ còn là cho vui, mặc dù chúng ta cũng nên nhắc nhở bản thân rằng về gốc rễ lí do mà ta đến với nó nên là như vậy. Để trở nên giỏi hơn, ta cần phải đưa mình vào sự luyện tập cho chủ đích (deliberate practice), điều mà về bản chất là “luôn luôn ở giới hạn của bạn, và liên tục nỗ lực để mở rộng giới hạn ấy” (trích Cal Newport, “So Good They Can’t Ignore You”).
Đặc điểm nổi bật nhất của sự luyện tập này là nó khiến bạn cực kì áp lực và mệt mỏi. Đó cũng chính là điều giúp bạn biết khi nào mình đang thực sự luyện tập có chủ đích. Nếu như bạn vừa tập vừa chill, khả năng cao là level của bạn sau buổi tập vẫn giậm chân tại chỗ.
Chúng mình chọn casting vào một nhóm Hip Hop có tiếng tăm trong cộng đồng nhảy, dĩ nhiên là mong muốn up level. Kì vọng từ bản thân, kì vọng từ người trong team, những điều ấy vừa là thứ đẩy mình đi xa hơn, nhưng cũng là thứ đại bác bắn ngược. Kết cục là mình cứ tập và tập, nhưng cứ tới giờ cypher cuối buổi là lại làm chẳng ra gì.
Cypher là nơi người ta giao lưu, thư giãn và trao đổi với nhau. Chẳng phải dance battle máu mặt căng thẳng gì. Nhưng việc thuộc lý thuyết và chuyện thực hành vẫn cứ là hai điều cách nhau cả dặm. Mình suy nghĩ rất nhiều, về những kỹ thuật mình đã học, về việc làm đúng làm sai, và stress về việc mình đang stress. Nó cứ là cái vòng tròn đi xuống như vậy đấy.
Cả người cứ lạnh dần đi, cơ tay cơ chân cứng xoắn co quéo lại. Và cả tâm trí mình cũng thế – cứ như có mây đen kéo đến che khuất tầm nhìn, mình càng cố để tập trung vào cái “khoảnh khắc hiện tại” ở cùng với mọi người trong xới thì lại càng thấy mệt mỏi.
Cảm giác ấy của chúng mình phải nói là giống anh WEAN tới 90%, mà mình trộm nghĩ một điều rằng, có lẽ ai thực hành nghệ thuật nói riêng hay sáng tạo nói chung đều có những khoảng thời gian như vậy. Và dĩ nhiên là không phải chỉ bị một lần rồi sau đó coi như đã tiêm vaccine, miễn nhiễm. Nó có thể trở đi trở lại, liên tục hoặc rải rác suốt quá trình thực hành của một người.
Mình rất hào hứng đến studio, thích vì được đi nhảy. Cũng cảm thấy ổn với việc tập luyện có chủ đích, học cái mình cảm thấy không thoải mái, nhận phản hồi và suy nghĩ để sửa. Thể lực cũng tập, thậm chí nếu không muốn nói là mình đã xây dựng được thói quen workout bền tới cái độ đôi lúc mình còn thấy thích tập thể lực hơn cả tập nhảy. Đôi lúc cảm thấy bản thân giống như nhân vật Tendo trong 1Q84 của Haruki Murakami, có khi là chẳng đam mê gì đặc biệt, nhưng chuyện xuất hiện và tập tành đối với mình không phải điều gì đòi hỏi quá nhiều động lực.
Tập khó tập khổ là thế, nhưng đến cái lúc cần sự thư giãn nhất, chill nhất là lúc cypher lúc cuối giờ thì mình lại thấy bủn rủn chân tay.
Con khỉ trong tâm trí
Trong thiền định có một hình ảnh minh hoạ về “con khỉ trong tâm trí”, điều mà mình cho là lí giải được phần nào những diễn biến tâm lý ở trên kia.
Mình bắt đầu thực hành thiền tập từ thời gian COVID-19 năm 2021, từ những video guiding trên mạng, rồi thử sang các app như Simple Habit, Tide, rồi cuối cùng chọn dừng chân ở Headspace. Có lẽ vì đồ họa đẹp, và mình thích giọng của Andy, Eve và Dora – những người hướng dẫn của team Headspace.
“Growth is not linear” (tạm dịch, “Sự phát triển không hoàn toàn tuyến tính”), nếu có thứ thực hành nào diễn tả sâu sắc điều này nhất thì đối với mình đó chắc chắn là thiền. Bài tập rất đơn giản, chỉ là bạn về một trạng thái nghỉ ngơi như ngồi hoặc nằm, và sau đó chọn một điều gì đó để tập trung vào (như hơi thở, 1 mantra, hoặc một suy nghĩ cảm xúc nào đó). Và dĩ nhiên là nó chỉ có vậy. Sau này nếu bạn đem sự chánh niệm đó đi cùng vào với đời sống của mình tốt thì cũng chẳng cần phải đợi đến giờ ngồi hay nằm. Bạn nhận thức được khi nào mình bị “bay mất”, rồi tìm cách quay về với khoảnh khắc hiện tại.
Nhưng mỗi ngày mới đến lại là một ngày với trải nghiệm thiền rất khác nhau. Có những ngày mình cảm thấy lòng bình yên lạ lùng, được ngồi xuống thôi là đã thấy hạnh phúc, và cứ thế ngồi qua luôn ngay cả khi đồng hồ báo giờ kết thúc. Nhưng lại có những ngày cảm thấy bứt rứt từ đầu đến chân, chẳng thể nào mà ngồi yên được. Càng muốn tập thì lại càng cáu, chỉ muốn mở mắt dậy làm việc khác cho xong.
Tóm lại là sự tiến bộ của chúng ta trong thiền tập không dễ thấy như việc chơi game, hôm nay lên level 1, ngày mai đi từ level 1 lên level 2. Với thiền, có ngày hôm nay bạn ở level 100, hôm sau tìm thấy mình ở level 1 là chuyện bình thường như cân đường hộp sữa.
Về cơ bản là bạn cứ thiền trong im lặng, bao lâu tùy ý thích. Nhưng thường với người mới bắt đầu, để cho việc luyện tập dễ dàng hơn, người ta thường có guided audio (audio hướng dẫn) và đặt ra một thời gian nhất định (5-10 phút). Mình vẫn luôn sử dụng Headspace với những audio của nó. Thư viện của Headspace chia ra nhiều mục với nhiều chủ đề khác nhau, nhưng tựu chung chỉ có một số lượng kỹ thuật nhất định và bạn cần phải nắm, còn lại thì cấu trúc các audio đều khá giống nhau. Ví dụ 1 bài tập 10 phút:
- 1 phút đầu: Dạo đầu đầy thư giãn và vui vẻ, chào mừng đến một buổi tập mới. Giới thiệu về chủ đề trong audio, một vài ý tưởng và thông tin để bạn suy nghĩ về chủ đề đó.
- 30 giây: Mở mắt, bắt đầu hít thở sâu và lấy lại tĩnh tâm.
- 8 phút tiếp theo: Nhắm mắt, bắt đầu đối diện với tâm trí. Đây là phần chính và cũng là cái lõi của buổi tập.
- 1 – 2 phút cuối: Vẫn nhắm mắt, nhưng bây giờ bạn được phép “thả trôi cho tâm trí suy nghĩ tùy ý thích”
- Mở mắt dậy khi bạn đã sẵn sàng.
Một điều mình quan sát được ở bản thân đó là trong suốt 8 phút tập kia, khi mình càng xác định là bản thân sẽ phải tập trung thì suốt thời gian đó đầu óc mình toàn bay đi đâu. Có lúc may mắn thì nhận ra mình mất tập trung giữa giờ và quay lại. Có lúc trót bay xa quá thì thôi, có khi là hết sạch cả cái audio rồi mới nhớ ra là mình đang ngồi thiền chứ không phải ngồi tâm tưởng.
Trong khi đó, ngay cái khoảnh khắc mà người hướng dẫn nói rằng, “bây giờ bạn hãy thôi không tập trung nữa, hay để cái đầu bạn nghĩ bất kỳ thứ gì nó muốn nghĩ” thì một điều kì lạ là tâm trí mình lại trở nên “trời quang mây tạnh” một cách lạ lùng, và sự tĩnh tâm kia đến với mình rất tự nhiên. Mình đã cảm thấy như vậy nhiều lần trong một thời gian dài, cho tới một ngày được thầy Andy Puddicombe giải thích đúng chính xác về hiện tượng như thế.
Sở dĩ tâm trí chúng ta được ví với hình ảnh “con khỉ” là bởi vì, như một con khỉ, tâm trí chúng ta luôn chạy nhảy, bị đánh lạc hướng trước những thứ hay ho mới lạ, thay đổi hết từ cái này sang cái khác nhanh vun vút, không mấy khi ở một chỗ bao giờ.
Nếu ta muốn một con khỉ ngồi yên bằng cách nhốt nó, nhiều khả năng là nó sẽ chỉ trở nên kích động hơn.
Nhưng nếu ta có thể huấn luyện nó và dạy nó một cách từ từ và nhẹ nhàng, nó sẽ dần biết cách vâng lời ta.
Một lượng vừa đủ
It is a combination of both. I mean here is natural instinct and here is control. You are to combine the two in harmony. Not if you have one to the extreme, you’ll be very unscientific. If you have another to the extreme, you become, all of a sudden, a mechanical man… No longer a human being. It is a successful combination of both. The ideal is unnatural naturalness, or natural unnaturalness.
— Bruce Lee
Việc nghiêm túc và có một sự chú tâm hướng đến kết quả hay xác định tinh thần là cần thiết, song ta cần phải xác định mức độ phù hợp của tâm thế này trong từng trường hợp.
Trong Navy SEAL có một bài tập mang tên là “drownproofing”. Bị bịt mắt, trói tay trói chân, thả xuống cái bể khoảng 9 feet, nôm na là sâu hơn nhiều so với chiều cao của bạn. Chẳng cần phải bơi hay làm gì đặc biệt. Chỉ đơn giản là sống được sau 5 phút. Vậy nhưng cũng rất nhiều người bị rớt.
Đặc điểm của bài tập này chính là một cái paradox mà Mark Manson cũng đã có phân tích trong video dưới đây: Bạn càng cố để đạt được cái gì, bạn lại càng không đạt được nó. Nếu như bạn cố gắng vẫy vùng để được hít ôxy, thì chúc mừng, bạn lại càng mất sức và chìm sâu hơn xuống đáy bể. Nhưng nếu bạn có thể vượt qua được cái bản năng sinh tồn kia của chính mình, biết “letting go” và thả để cho mình chìm xuống đáy thật, đến khi ấy bạn có thể lấy chân đạp vào đáy bể mà ngoi lên hít được oxy đầy trong phổi.
Điều bạn cần là sự hòa hợp giữa kiểm soát và thư giãn. Đó cũng là điều mà chúng ta luôn – hoặc nên bắt đầu nếu chưa – chú ý tới trong quá trình phát triển của chính mình.