HBDC Season 4 “IKONIC”

💡 High School Best Dance Crew (HBDC) là một giải đấu nhảy đối kháng cho học sinh cấp 3 trên toàn quốc, được tổ chức bởi No.6 Dance Studio và Last Fire Crew. Các đội nhảy cạnh tranh với nhau để giành chiến thắng trong các vòng đấu và được công nhận là đội nhảy xuất sắc nhất của chương trình. Để trở thành thành viên của một đội nhảy HBDC, các học sinh có thể đăng ký tham gia với trường của họ hoặc tìm kiếm các đội nhảy có sẵn để tham gia. Cuộc thi cung cấp một cơ hội cho các học sinh trình diễn trước công chúng và phát triển kỹ năng nhảy của họ.

HBDC Mùa 4 là một mùa thi dở dang, hay “HBDC Hụt”, như cái cách đội chúng mình ở NDC (Nguyễn Huệ Dance Club) vẫn hay nói vui với nhau như vậy. Bắt đầu khởi tranh vào đầu năm 2021, mùa thi năm ấy rơi vào đúng giữa thời điểm căng thẳng của dịch COVID-19. Team mình đăng kí thi và tham gia qua vòng Showcase, nhưng sau nhiều lần trì hoãn và cuối cùng hủy bỏ thì vòng Battle chung kết đã không được tổ chức.

Mặc dù vậy, HBDC là một trải nghiệm giá trị và đáng nhớ với mình, không chỉ là về mặt chuyên môn nhảy múa đơn thuần. Trong suốt khoảng thời gian ấy, mình đã học được nhiều điều, từ những con người và cơ hội thú vị mà nó mang lại.

Vòng Showcase: Từ ý tưởng đến thực hành

“Anh đang tưởng tượng đến một nơi rừng rú hiu quạnh một tí, và những con bọ.”

Bách Việt Phan (SUNDAY GOALS, Theatre Dance Vietnam)

Nghe anh Bách trình bày ý tưởng mà mình ngẩn cả người, nửa vừa thấy khó hiểu, nửa vừa thấy hồi hộp vì chẳng biết liệu chúng mình sẽ làm nó thành thứ gì. Bản nhạc được chọn là “Mmmm” của TroyBoi, một bài mà mình nghe xong thì thấy nó cũng “chiến chiến” như phong cách nhạc trap thường thấy của ông Producer nổi tiếng này, chứ chưa liên tưởng được gì đến cái ý niệm trên kia.

Đi thi Hip Hop nhưng cả quá trình tập tành cứ như đang tập múa đương đại. Hồi ấy chưa đi tập đương đại, nên cứ thấy những kỹ thuật này lạ lùng và kì quái, cơ thể mình cũng chẳng quen với nó. Vì yêu cầu nên mới phải tập, chứ cũng không nghĩ nó sẽ “bổ béo” gì cho bản thân. Mãi tới sau này học thêm đương đại, mới hiểu đó cũng mới chỉ là những kỹ thuật rất cơ bản của bộ môn này, và nó cũng là những thứ nền tảng giúp một vũ công sáng tạo ra nhiều điều mới khi họ thực hành chúng đủ lâu.

Bò như những con bọ

“Bây giờ em hãy bò giống mấy con bọ anh xem nào.” Cái khó của nhảy múa theo kiểu sáng tạo trên ý tưởng hay gặp 2 vấn đề lớn: 

  1. Bạn và người biên đạo sẽ có cái hiểu và hình dung khác nhau về cùng một thứ; 
  2. Đôi khi bạn làm bạn nghĩ mình đã thể hiện được ý tưởng đó rồi nhưng thực chất là chưa. Khi ấy có mấy khả năng xảy ra:
    1. Bạn còn chưa rõ ràng với bản thân, chưa thực sự hiểu ý tưởng một cách thấu đáo;
    2. Bạn đã hình dung ra được nó, nhưng bạn chưa thể hiện được nó – vì nó mới chỉ rõ ở trong đầu, còn cơ thể của bạn thì hoặc là chưa sẵn sàng, hoặc là làm nó chưa tới;
    3. Bạn thể hiện được nó, nhưng nó không khớp với kỳ vọng và cảm nhận của biên đạo.

Nói sơ sơ mong là cũng giúp bạn đủ hình dung ra chặng đường sau đó sẽ không thiếu những lần thảo luận (đôi khi cáu nhau quá thì thành tranh cãi) và thử đi thử lại. Quá trình từ “tôi chẳng hiểu mình đang làm cái quái gì” – “cảm giác cũng hòm hòm” – rồi nhận được “đấy là cái anh muốn” từ biên đạo có thể sẽ rất nhanh (trong trường hợp lí tưởng khi cả 2 bên đều rất hiểu nhau và đã là dân chuyên), nhưng thường thì nó cũng sẽ tốn kha khá thời gian đấy.

Bài học

  • Những chuyển động hay kỹ thuật sử dụng cả người như việc bò đòi hỏi sự khỏe đều của các nhóm cơ. Tức là bạn nên tập cả người, chứ không phải chỉ vào gym kéo tạ để khỏe mỗi cái tay, hoặc khỏe mỗi đôi chân.
  • Cơ bụng khỏe là một điều bắt buộc. Nó được gọi là “cơ lõi” (core) là có lí do. Cơ lõi khỏe giúp cả cơ thể di chuyển tốt hơn, phát động được lực đi các phần khác, và cũng vì thế mà giúp bạn bớt chấn thương hơn.
  • Đừng để chết cái đầu. Một lỗi chúng mình hay mắc phải trong quá trình tập là cứ để cái đầu ở nguyên một chỗ, nhìn đăm đăm về phía trước để tìm đường, hoặc cứ cúi gằm mặt xuống nhìn tay nhìn chân xem đã đúng chưa. Tùy vào ý tưởng mà bạn cần thể hiện, song thường thì cái đầu cũng cần phải được sử dụng nhiều như tay và chân.
  • Hãy học hỏi từ tự nhiên. Mình còn nhớ trong nhóm chat mọi người còn gửi cho nhau những video cách những con côn trùng bò trong tự nhiên, bảo xem đi mà học theo. Thực sự là thiên nhiên có rất nhiều thứ thú vị hay ho để chúng ta có thể học hỏi – không phải chỉ nhảy múa mà rất nhiều lĩnh vực khác (cái máy bay bạn thấy có giống con chim không?).

Tập bê

Mình tin bê vác người khác là thứ chúng ta sẽ không thường làm khi tập Hip Hop, trừ khi bạn tập để diễn showcase hoặc làm trick đặc biệt nào đó. Đa phần thời gian sẽ là cá nhân luyện tập với cơ thể của chính họ, nên khi bắt đầu phải tập món này mình đã khá lúng túng, ngay cả khi ấy mình cũng đã có nền tảng thể lực đủ dùng rồi. Khi ấy cũng không có ai biết chuyên sâu về kỹ thuật này, nên tất cả chỉ cố gắng hết sức để làm được ra ý tưởng đã vạch sẵn.

Mãi đến sau này khi đi tập đương đại ở Kinergie Studio, mình mới có cơ hội học hỏi thêm về kiến thức nền tảng cho kĩ năng ấy.

Bài học

  1. Phần nặng nhất trên cơ thể người là phần hông. Muốn đưa được ai đó lên thì hãy tập trung đưa hông của họ lên.
  2. Người được bê luôn luôn cố gắng để siết cơ bụng cũng như chuẩn bị đáp đất an toàn cho mình nếu như người bê có đánh rơi bạn.
  3. Người bê chú ý trụ chắc người, đừng tự làm khó bản thân khi cố gắng bê ở trong những tư thế khó. Và nhớ là luôn luôn cung cấp cho người được bê cái gì đó để bám vào, cũng như hạ họ xuống từ từ và hợp lí.

Thành quả

Thành quả của những tháng ngày làm việc hại người lẫn hại não.
Và đây là kết quả…

Vòng battle: Tổ hợp đi đấu

“Từ top 16 đến chung kết, mỗi lượt đấu sẽ cần đến đâu đó khoảng 3-4 routine. Vậy thì chúng ta cũng sẽ cần dựng tối thiểu là 12 routine đấy.” Anh Thuận lẩm bẩm, xòe mấy ngón tay tính nhẩm trong đầu. 

Kết cục là cả nhóm bắt đầu hùn hạp với nhau để biên tổ hợp, tập tổ hợp, chạy tổ hợp. Xuất phát điểm là một câu lạc bộ theo định hướng Open Style/ Choreography, chủ yếu tập bài biên, nên thời gian sửa dáng và xếp đội hình chiếm tương đối nhiều. 

Note mình tự ghi lại để đỡ “loạn”, khi con số tổ hợp bắt đầu tăng dần lên.

Một đòi hỏi chung khi đi thi đấu là một năng lượng tương đối cao (hay mọi người hay gọi là phải “căng”, phải “cháy”, rồi “gấu chó” các thứ đấy). Mình cho rằng khi đi tập cũng nên cố gắng phấn đấu để đạt được mức năng lượng này, thậm chí hơn. Vì sao?

  1. Ngày thi đấu battle các bạn sẽ thi đấu ở một địa điểm lớn và với năng lượng lớn hơn rất nhiều – chí ít là lớn hơn cái sân trường hay sảnh mà các bạn vốn đang tập luyện. Nếu không có khả năng đẩy được năng lượng lên cao thì một trường hợp rất hay xảy ra là các bạn sẽ bị chính khán đài nuốt chửng, chứ chưa nói là đội đối thủ của bạn máu me thế nào. Khán giả xem bạn nhảy sẽ thấy mờ nhạt, không ấn tượng gì.
  2. Đẩy năng lượng lên cao khi tập bằng với khi đấu là cách để khiến bạn nghiêm túc với việc tập luyện. Bạn đang nhảy và nhảy hỏng thì bạn sẽ nhảy tiếp, hay cười cười rồi lùi ra, không nhảy tiếp nữa? Có những điều trong khi tập luyện bạn phải tự kỉ luật với bản thân, nếu không sẽ dần thành thói quen suy nghĩ nửa vời, hay buông xuôi, hời hợt và sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến khi bạn làm thật.

Cũng vì thế mà ngoài việc tập luyện tổ hợp ra thì có vài điều mình rất mong là bạn cũng sẽ chú ý trong thời gian này:

  1. Tập thể lực. Cái này là cần thiết đấy nhé – bởi nếu không có nó bạn rất dễ chấn thương, nhất là khi thử mấy trick khó. Không có thể lực thì đi đấu cũng nhanh bị mệt, dừng chân sớm trước những đối thủ ngang bạn nhưng họ vẫn còn có thể lực nên tung ra được nhiều hơn.
  2. Ngủ đủ. Liều thuốc thần dược cho đủ thứ chấn thương và sức lực mà bạn đã đốt trong ngày. Thiếu ngủ còn ảnh hưởng khá nhiều tới việc tập của bạn. Thời gian tập battle năm ấy, mình đang làm hồ sơ cho Đại học Fulbright, ngồi viết luận sửa trối chết luôn, thức đêm liên miên, ảnh hưởng rất nhiều tới buổi tập ngày hôm sau. Tập routine mà mãi không nhớ, cứ sai đi sai lại nhiều chỗ, phản ứng chậm chạp trước những tín hiệu – những cái đó là hệ quả của thiếu ngủ đấy.
  3. Chăm sóc sức khỏe tinh thần. Cực kỳ quan trọng. Nhảy là cái thứ mà bạn rất khó fake được năng lượng bên trong. Nếu như bạn cảm thấy mỏi mệt và cố gắng nhảy gấu chó, nhiều khả năng người xem bạn vẫn sẽ cảm thấy bạn mỏi mệt. Thật đấy.

Cuối cùng vì COVID-19 mà giải không diễn ra nên nhóm cũng đã không đi thi, song chúng mình cũng đã học được rất nhiều trong quá trình chuẩn bị cho nó.

Workshop về âm nhạc với Maiki

Sau khi nhận kết quả vòng Showcase, cả team ai nấy phải ngồi nhà, thực hiện giãn cách xã hội. Anh Thuận có thỉnh thoảng lại giao bài tập và mọi người tập theo, quay video, và nộp online. Riết mãi như vậy cũng chán. “Mấy đứa có muốn học thêm về gì khác không?”, anh hỏi. “Âm nhạc ạ!” – một đứa em nhanh nhảu trả lời. Vậy là Thuận Ngô nhờ tới Maiki (lúc này cả hai đều đang trong Fire Junior, thế hệ mới của Last Fire), setup Zoom các kiểu, tới ngày đứa nào đứa nấy bảo nhau vào lượm nhặt kiến thức.

Và thế là chúng mình có được 90 phút giá trị nằm ngoài sức tưởng tượng. 

“Em có câu hỏi ạ. Nếu như một dancer có thể nhảy vào tất cả các beat thì điều ấy có xấu không?”

Maiki có vẻ ngập ngừng trước câu hỏi của mình. “Ý em là sao? Anh nghĩ là nếu như một người có thể ăn tất cả các beat thì là họ siêu khủng rồi em.”

“À, cái này hôm trước anh vừa nhắc nó,” – Thuận Ngô chen vào – “Dĩ nhiên ăn được mọi con beat được thì tốt, nhưng ý anh khi ấy là những cái em làm nó phải rõ ràng ra. Nếu như em nhảy một đống động tác nhưng nó xoắn quẩy vào nhau, cái gì làm chưa hết đã chuyển sang cái tiếp theo để vội đuổi theo beat, thì trông nó sẽ không ra gì cả.”

Ngoài phần nhóm mình “tra khảo” anh Tùng Mai vì những câu hỏi kiểu như vậy, chúng mình cũng đã học được thêm rất nhiều điều về nhạc lý cũng như những kiến thức lịch sử xoay quanh âm nhạc. Dưới đây là ảnh chụp “vở ghi” của mình, cũng từ rất lâu rồi nên có phần lộn xộn – bạn có thể tham khảo nhé.


HBDC Workshop

Bạn có thể đọc chi tiết về những gì mình đem về từ buổi workshop tại đây.

HBDC Community Battle

Bạn có thể đọc chi tiết về trải nghiệm HBDC Community Battle năm đó tại đây.

Prologue: Buổi nói chuyện với Nam Nguyễn

4:04 chiều 22.02.2020, Dance More Studio 281 Đội Cấn | 
Workshop nội bộ NDC by Binam

– Vậy bây giờ thế này nhé. Giả sử anh đăng kí đi thi đấu ở một giải nọ này. 
– Ừm!
– Bây giờ nhìn vào bảng anh thấy toàn những người rất giỏi, rất khủng… Anh tính sao?
– Ồ! Thì anh làm tốt hết khả năng của mình thôi! – Nam trả lời rất nhanh, hệt như trước giờ anh đã luôn nghĩ như vậy. 
– Nhưng mà em cứ bị sợ í! – Cuối cùng mình cũng nói ra điều trăn trở bao lâu nay. Cảm giác nhẹ nhõm hẳn. Nhưng mình hoàn toàn không có ý tưởng gì về câu trả lời của anh Nam trong những giây tiếp theo. 

Anh Nam nhìn mình, cười cười, trông như đang dỗ một đứa nhóc lên ba:

– Haha… Đừng nghĩ như thế. Tại sao em phải nhìn vào những người khác rồi mới quyết định xem mình sẽ làm gì? Cứ phải thử mới biết được chứ. 

Mình vẫn còn ậm ừ. Anh lại nói tiếp:

– Phải thử thì em mới biết được. Phải thử thì mới biết được cảm giác ấy. Cứ thử thôi.
– Vâng…

“Cảm giác ấy” để bỏ ngỏ trong câu nói của anh Nam cơ hồ làm mình thắc mắc. Nhưng mình biết mình không phải hỏi thêm gì nữa. Anh để nó ở đấy, như một chùm bóng màu xanh đỏ chứa đầy bí mật được thả lên bầu trời, và thì thầm bảo mình hãy tự đi lấy trái bóng của chính bản thân.

Lời cảm ơn

Lời cảm ơn đầu tiên dành cho hai con người đã dành nhiều công sức nhất trong quá trình học tập và thi đấu của team: anh Thuận Ngô (Last Fire Crew) và anh Bách Việt Phan (SUNDAY GOALS, Theatre Dance Vietnam). Hai anh là những thế hệ đi trước của Nguyễn Huệ Dance Club, đã và đang làm rất nhiều điều để giúp cho những đàn em, không chỉ là thế hệ mình mà còn sau đó nữa – hiểu được tinh thần, lịch sử, văn hóa; trau dồi kĩ năng và bản lĩnh; có thêm nhiều cơ hội tham gia và trải nghiệm ở nhiều sự kiện khác nhau.

Tiếp theo là lời cảm ơn tới những thành viên trong team HBDC năm ấy nói riêng và những con người trong câu lạc bộ nói chung. Nhờ có họ mà mình hiểu một dự án nghệ thuật nơi người ta phát triển nhiều nhất là khi có sự đấm nhau và đấm chính mình nhiều nhất (!) – để thách thức lẫn nhau và cùng phát triển. 

Em cũng xin gửi lời cảm ơn tới anh Tùng Mai (Maiki), anh Zjzu, chị Mây, và anh Nam Nguyễn từ Last Fire Crew – anh chị là một trong những người đã cho em nhiều những cảm hứng và kiến thức nhất trong hành trình năm ấy. 

Cuối cùng là lời tri ân tới những cá nhân và tổ chức đã làm nên HBDC, từ vòng sơ khảo tới vòng chung kết, rồi cả chuỗi các sự kiện showcase – battle – workshop. Mình đã và đang làm những vị trí sau cánh gà như thế – nên cũng hiểu được sự vất vả của các bạn, những con người mà đôi khi cả một dự án không một lần được ánh đèn chiếu tới hay được sân khấu nhắc mặt gọi tên.

Những năm gần đây mình đã thấy chất lượng sự kiện đi lên rất nhiều, chứa đựng nhiều giá trị và sự sáng tạo. Mình thực sự rất mong muốn HBDC tiếp tục đi lên trong thời gian tiếp theo. Và nếu bạn đang ở trong một nhóm nhảy cấp 3 mong muốn một cơ hội thử thách và học hỏi “thần tốc” – có thể HBDC là lựa chọn của bạn đấy.