Đi xe đạp quanh Hồ Tây đã nhiều lần, nhưng số ảnh mình chụp ở đây chỉ đếm trên đầu ngón tay. Cảnh ờ hồ rất đẹp, thậm chí còn là một trong những tâm điểm của giới nhiếp ảnh Hà Nội. Nhưng chắc cũng có lẽ vì lí do đó mà mình không muốn rút máy ra để chụp.
Khoảnh khắc mình nhìn thấy một cảnh đẹp, ngay lập tức mình nhận ra góc nhìn ấy cũng tầm thường như bao góc nhìn khác vốn đã có nhan nhản trên Internet. Trong cuốn “Nghĩ ngược lại và làm khác đi”, Paul Arden đã nói đến việc những bức ảnh “đẹp” không hề hiếm, như ảnh chụp chính giữa bông hoa, ảnh chụp mặt trời trên hồ, ảnh chụp người… chỉ có những bức ảnh mà ta nhìn vào và tới mãi sau này ấn tượng đối với chúng vẫn còn, mới là thứ thực sự hiếm.
Chính vì lí do đó, mình luôn ngần ngại chuyện rút điện thoại ra để chụp mặt trời ngày hôm ấy, hay cảnh hồ ngày hôm ấy – đơn giản vì góc nhìn đó quá đơn giản đến cái độ người chẳng biết gì về nhiếp ảnh cũng có thể biết để mà chụp, và ở trong bức ảnh đó về sau này chẳng hề có “mình” ở trong đó.
Nhưng lại nghĩ lại, những bức ảnh đạt giải Shot on Iphone hay các giải nhiếp ảnh cộng đồng gần đây mình thấy – không phải cái nào cũng bố cục độc lạ mới mẻ, lại cũng không phải màu sắc lồng lộn cinematic.
Điều làm chúng đặc biệt chính là khoảnh khắc được bắt lại vào trong đó, và cả câu chuyện đằng sau đó nữa.
Lại nhớ lại câu chuyện mình được nghe hồi lớp học thử của RMIT về nhiếp ảnh: Một giáo sư giao cho lớp một bài tập về nhà, một nửa lớp tìm cách chụp “bức ảnh đẹp nhất”, nửa lớp còn lại tìm cách chụp “nhiều nhất có thể”. Và kết quả là nhóm cố gắng chụp nhiều, cố gắng tìm kiếm, cố gắng đổi mới đã làm tốt hơn nhóm vốn chờ đợi để có được một khoảnh khắc thật “hoàn hảo”. Vì cái hoàn hảo ấy khó bao giờ đến vào lần đầu tiên và duy nhất.
Và chỉ có bằng cách chụp thật nhiều, để lại những bức ảnh giống-như-bao-người-khác, ta mới có thể tìm ra chính mình trong những khoảnh khắc sau này. Ít nhất bây giờ mình nghĩ vậy.
Hà Nội, 18:47 tối
Vừa về nhà sau hơn 30 cây số
