Chuyện old-fashioned hard work

silver macbook on brown wooden table
“Old-fashioned hard work”, dịch tiếng Việt ra nôm na là “cần cù theo kiểu trâu bò”, nhưng ý nghĩa cũng không thực sự sát với những gì mình muốn nói về điều này, vậy nên xin phép các bạn là để nguyên cái tiêu đề như vậy.

“Này Angela, hãy thôi đọc cả đống sách mà ra ngoài kia tìm hiểu về con người đi.”

— Angela Duckworth, “Grit”

Lúc bấy giờ tôi tự hỏi liệu mình có đang đọc quá nhiều sách non-fiction hay không. Tôi thực sự không nhớ là từ khi nào mình đã bắt đầu đọc thể loại này, nhưng tới bây giờ nếu bạn cho tôi chọn giữa một cuốn tiểu thuyết giả tưởng và một cuốn sách nói về tư duy, tâm lí, nguyên lí, hay năng suất; tôi chắc chắn sẽ chọn cuốn thứ hai. Cũng không phải là tôi đặc biệt thích chúng, chỉ là những thứ mà tôi thu nhặt được từ những cuốn với chủ đề tương tự giờ đây đã trở thành một lâu đài khổng lồ của niềm tin (và nhiều sự huyễn hoặc) về cách sống, cách làm việc và sử dụng thời gian công sức một cách “tối ưu”.

Cách đây lâu lắm rồi suy nghĩ về những “lí thuyết trái ngược” có đi qua đầu tôi. Đại để là việc có những lời khuyên hay châm ngôn sống thoạt nghe rất hay, nhưng vô cùng nguy hiểm bởi chúng có thể bị hiểu theo nhiều nghĩa. Và trong nhiều trường hợp, ta có thể tìm thấy một lời khuyên khác cũng không kém phần hay và đặc sắc, giải thích nó theo cái cách phủ định lại lời khuyên trước đó. Ví dụ như:

“Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo.”

“Sông có khúc, người có lúc.”

“Học tài thi phận.”

“Có công mài sắt có ngày nên kim.”

hoặc những thứ du nhập từ phương Tây, kiểu như:

“Hãy theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn.”

“Theo đuổi đam mê là một lời khuyên sai lầm. Hãy giỏi đến mức không ai có thể phớt lờ bạn.”

“Tối ưu hoá thời gian và tinh lực: Chìa khoá của thành công.”

“Thành công không phải hạnh phúc.”

và hàng hà sa số những điều khác.

Photo by Katie Moum on Unsplash

Tôi nghĩ sở dĩ điều này xảy ra chủ yếu là bởi vấn đề từ hai hướng: người phát biểu câu nói và người tiếp nhận ý tưởng ấy. Người đưa ra nhận định cho dù có hiểu biết cỡ nào thì vẫn bị giới hạn bởi duy nhất một cuộc đời mà anh ta có thể sống và một số lượng hữu hạn những người mà anh ta có thể gặp.

Nếu như mỗi con người đều là một biến số khác biệt, thì điều mà kẻ phát biểu kia, nếu là một tay biết điều và khiêm tốn, sẽ nói “Tôi cho rằng”, hay “Tôi rút ra từ nghiên cứu của mình rằng”; chứ không thể khẳng định chúng như một chân lí.

Người tiếp nhận cũng tương tự như vậy. Anh ta có cuộc đời, một và chỉ một, và sẽ hiểu cái ý tưởng kia theo cái cách mà anh ta nghĩ nó nên được hiểu trong thế giới quan của anh ta. Quá trình truyền thông trung gian cũng bao gồm những con người, và vấn đề ở đó cũng là vấn đề tương tự như trên.

Quay lại chuyện của bản thân tôi. Những ý tưởng kiểu như “Học thông minh hơn – chứ không phải học nhiều hơn”, hay “Tuần làm việc 4 giờ”, hay “Ngày làm việc hiệu quả” vô cùng thu hút tôi. Với những phương thức được trình bày, công việc dường như được giải quyết nhanh hơn, đạt được hiệu suất lớn hơn trong cùng thời gian hoặc ít hơn, cùng lúc đó, người làm nó – kẻ áp dụng một cách tuyệt vời những bí quyết này – trở nên vừa năng suất, nhanh thấy thành quả, lại còn chừa ra được vô khối thời gian để anh ta đi làm những chuyện khác nữa mà anh ta mong muốn. Với một kẻ thích tiết kiệm calo mà lại ham hố trở thành con người thời Phục hưng như tôi, việc có thêm thời gian này nghe ngọt ngào hệt như việc có của cải dư thừa đối với các nhà tư bản.

Tôi đã thử, và thử nhiều – tới cái độ mà ngay bây giờ nếu tôi có ngồi xuống và tiêu thụ một mẩu nội dung số nào đó liên quan tới chủ đề Phát triển bản thân (vốn rầm rộ nổi lên trên mạng trong thời gian gần đây), khả năng cao là tôi đã biết tới điều mà người kia đang đề cập tới, thậm chí là nghe đến nhàm tai. Video YouTube, podcast, blog, sách, nhóm mạng xã hội, studygram trên Instagram…, chỗ nào tôi cũng thu nạp và hí hửng áp dụng.

Nhưng có vẻ như cái gì đó vẫn còn thiếu. Điểm giữa kì học đầu tiên đã tát vào mặt tôi một cú đau điếng. Có vẻ như chỉ bí quyết hay các thể loại “quy luật” này kia vẫn không giúp tôi được mấy. Có cái gì đó gốc rễ ở vấn đề này mà tôi chưa nhìn ra, hoặc là tự làm mù và cho rằng mình chưa nhìn ra.

Tôi đã rơi vào cái bẫy thứ hai của ảo tưởng về việc học: Biết phương pháp học lại nghĩ là bản thân đã học rồi.


Chiều 30 Tết, tôi ngồi nói chuyện với ông ngoại. Ông vừa từ dưới quê lên, lâu rồi mới được gặp, nên tôi và ông nói chuyện lâu. Chủ yếu ông hay hỏi về chuyện học hành, rồi từ đó ông cháu nói đủ thứ. Trong cuộc nói chuyện, ông có nói một câu như thế này:

— Đứa nào mà thầy nói 10, nó hiểu được tầm 7-8 là cái loại giỏi. Đứa mà chỉ hiểu được một thì…thôi! (cười)

Photo by Milad Fakurian on Unsplash

Điều đó làm tôi khá ngạc nhiên. Vốn những sách báo chỉ cho tôi cách để trở thành người “năng suất, thành công” họ hay nói rằng áp dụng quy luật của họ thì “Thầy nói 1, hiểu 10”, chứ chẳng phải là hiểu được có 0.5 đã là giỏi. Những người gần hơn với thế hệ tôi, từ khoảng bố mẹ tôi đổ lại, có vẻ như họ cũng bằng cách nào đó bị ảnh hưởng giống chúng tôi và tin theo những điều như “nói 1, hiểu 10 mới là người giỏi”.

Điều ông nói có con số khá khiêm tốn, nhưng tôi lại thấy khá hài lòng. Vì ít nhất, đó là những gì vốn xảy ra ở thực tế quanh tôi! Thầy nói 10 điều, ngày hôm đó tôi hiểu được khoảng tầm 6-7 phần là tôi đã thấy mình đã chuẩn bị bài kĩ và thông não lắm rồi, chứ huống gì, với cái tỉ lệ lí thuyết kia, có kẻ nào đó hiểu được 100 điều! Tôi vẫn hằng mong ước mình nằm trong cái thành phần được cho là sáng dạ kia, nhưng đúng là nó chưa bao giờ xảy ra (ít nhất là với tôi) ở trên lớp học. Và thế là chúng tôi vẫn ngậm ngùi với cái trình độ thường thường tầm trung của mình, và ngẫm nghĩ thay cho những kẻ được lên báo kia, “À, chắc cái loại này là thầy nói một nó hiểu mười này!” Liệu những kẻ đang truyền bá văn hoá năng suất kia có đang vô tình hay cố ý thổi phồng hiệu quả của phương thức họ đề xuất hay không?

Và sau đó một lúc tôi quay lại hỏi ông, tò mò tự hỏi những con người hay đưa ra nhận xét về trình độ thì bản thân họ nhìn nhận mình như thế nào.

— Thế hồi ông đi học, thầy nói mười thì ông hiểu được mấy phần ạ?

— Ông á? (cười) Bọn ông nghe thầy nói thì giỏi lắm chỉ hiểu được có 4-5 phần thôi, hồi ấy chưa có công cụ dạy học trực quan, toàn phải về nhà đọc đi đọc lại sách, đọc thêm cả ở ngoài, nghiền ngẫm mãi thì mới hiểu được!

Tôi ngẩn người. Đây cũng là điều thầy tôi đã nói ở trên lớp. Nhưng tôi không thích cái ý tưởng này. Tôi không thích cái viễn cảnh mà chuyện đi học vẫn đòi hỏi “old-fashioned hard work”, tức sự chăm chỉ cày cuốc đơn thuần của ngày xưa, chúng tôi hay vui miệng gọi là “cách làm trâu bò”.

Tôi thích ý tưởng về những thứ nhanh, đẹp đẽ, sớm có kết quả, và phải nhẹ nhàng. Tôi thích tin rằng những pomodoro, timeblocking hay những ứng dụng ngoài kia sẽ giúp tôi làm thay những phần việc tẻ nhạt và chán ngắt, việc tôi cần làm chỉ là nắm quyền quản lí tất cả những thứ đó và tôi sẽ đi qua một học kì toàn A+. Tôi thích cái việc người khác thì chăm chỉ học ngày đêm trong khi tôi chỉ cần áp dụng vài phương pháp hay ho là đạt được kết quả ngang họ, thậm chí hơn. Tôi thích hình ảnh được lãng mạn hoá của những bạn làm studygrammer, studytuber,… về những ngày tháng học đại học là để mặc đẹp, xách túi đi chỗ này chỗ kia, tha thẩn trong thư viện hay triển lãm, đi ăn, đi mua sắm, đôi lúc mở máy ra viết luận và nộp xong, tiếp tục “tận hưởng” cuộc sống ở chỗ vui chơi nào đó khác.

Nhưng sự thật không như vậy. Sự học, cũng như bao công trình to lớn khác, cần nhiều nhất là công sức lao động đơn thuần, cái thứ nặng nhọc và tẻ nhạt, lắm lúc gây lại nhiều sự bực tức; chứ chẳng có một cái ứng dụng xinh đẹp nào nữa ngoài kia lại nhồi chữ vào đầu hộ tôi.

Photo by Sergey Zolkin on Unsplash

Tôi không thích cái việc những bài tập lập trình lại kéo dài hàng giờ, thậm chí ngày này qua ngày khác chỉ vì có một vấn đề mà mãi ta không tìm ra cách giải quyết. Tôi cực ghét việc phải đọc sách giáo khoa, nó không trôi chảy như đọc tiểu thuyết và ta lúc nào cũng phải thủ sẵn giấy nháp và bút chì chỉ để cố hiểu được tác giả đang nói gì. Tôi ngán ngẩm với những giờ học dài khi tôi phải ngậm mồm để nghe thầy giảng những thứ lặp đi lặp lại, và ngậm mồm vì không biết câu trả lời (như một kẻ thông minh nào đó tôi hay tưởng tượng mình như thế), mà chỉ muốn chui xuống gầm bàn. Thấy việc học của mình như một đống tạp nham hỗn độn, trong đó tôi là kẻ vô danh tiểu tốt và tầm thường; trong khi đó nhìn những cuộc sống đại học nhẹ nhàng và đầy tính lãng mạn ở trên nền tảng số nơi người ta là nhân vật chính, tôi ngậm ngùi vì cái sự “thất bại” của chính bản thân.

Sự học, cũng như bao công trình to lớn khác, cần nhiều nhất là công sức lao động đơn thuần, cái thứ nặng nhọc và tẻ nhạt, lắm lúc gây lại nhiều sự bực tức; chứ chẳng có một cái ứng dụng xinh đẹp nào nữa ngoài kia lại nhồi chữ vào đầu hộ tôi.


Lên tầng, nhìn vào chiếc bàn cũ đã mùn gỗ của ông là xấp giấy vẽ thiết kế cho một trường mầm non ở tỉnh. 80 tuổi, cái tuổi mà người ta trải qua và nhìn thấy khá nhiều, vẫn chẳng có gì kì diệu để giải quyết công việc nhanh hơn giúp ông tôi ngoài việc phải tự mình lao động. Thủ công, và trong thời gian dài. Ông có thể chẳng biết dùng Notion, Anki hay Reminder, cũng chẳng biết pomodoro là cái gì; nhưng tôi nghĩ chí ít nếu ông là bạn học của tôi hiện tại, có lẽ ông giỏi hơn tôi nhiều.

Những công cụ xinh đẹp mà tôi vẫn hằng tôn thờ kia chỉ là để giảm “sạn”, giúp người ta lược bỏ đi những hạn chế rất nhỏ vốn có tới từ sự giới hạn của con người.

Còn suy cho cùng, tất cả những điều lớn lao vẫn là từ lao động mà nên. Nói như cách của thằng em tôi thì là, “Đừng chờ phép màu xảy ra.”

Thân ái,

Tiểu Phương