Mọi thứ diễn ra sớm hơn mình dự đoán. Sau một tháng vào học ở trường đại học, mọi cảm xúc phấn chấn, mục tiêu hoài bão to lớn, khí thế hừng hực… của mình đều tắt lịm. Khó khăn lắm mình mới nhấc được mông dậy vào lúc 6h30 để rồi uể oải bật máy vào lớp lúc 6h45. Các môn toán hay chuyên ngành mình còn có tập trung được, nhưng những môn như Quốc phòng, Triết… thì không phải lúc nào cũng làm được như thế. Hôm nào mà mất ngủ thì thôi, chẳng cần biết đấy là môn gì, mình cứ gật gù suốt cả tiết. Mình cũng đã dự trước được việc các môn học sẽ khó, nhưng đúng là khi gặp cái khó thật thì vẫn nản.
Từ sau hôm đỗ đại học, lúc nào mình cũng quýnh cả lên, hết lo dọn dẹp bàn học, mua sách bút, lại tới lên các hội nhóm, diễn đàn đọc và lưu một đống những lời khuyên của anh chị đi trước về “bí quyết” học đại học, làm sao để 4.0 GPA, rồi tham gia các hoạt động ngoại khoá… Mình còn ngồi mấy buổi liền “tân trang” lại Notion, rồi dọn file rác trong máy, đặt mục tiêu kế hoạch đủ kiểu. Rồi cái ngày mình mong chờ cũng đến, mình được cấp email trường dành cho sinh viên, rồi thời khoá biểu xuất hiện trên trong tài khoản của mình. Và mình bắt đầu học.
Những buổi học đầu tiên rất lạ lùng mà lại cũng thú vị. Thầy cô mới, bạn mới, không biết ai với ai, lại toàn là online, nên mình không hình dung ra được mấy về những người trong lớp. Những bài học đầu tiên bao giờ cũng mới và đầy hứng thú như chuyện khai bút vào một quyển sổ mới.
Nhưng rồi thời gian trôi qua, và cái lạ cũng dần thành quen. Mặc dù vì là học online, không biết mặt mũi thầy cô bạn bè thế nào, nhưng mình cũng đã quen dần với họ. Có thầy cô dạy bằng cách viết tay, đưa ví dụ sinh động, cũng có thầy cô chỉ đọc từ slide ra rồi giải thích những chỗ mình chưa hiểu. Lớp thì xuất hiện những đứa “idol” – dân học giỏi nhưng hay khiêm tốn giấu nghề, những đứa chúa hề chuyên xàm xí, những đứa có nhiều tài lẻ, những đứa đẹp trai xinh gái… Nhìn chung là chuyển từ trạng thái “lạ” sang trạng thái “quen”, người ta bắt đầu tạo dựng nên những thói quen – quen với việc ngồi vào bàn khi tới giờ để học (mà quên tự hỏi là liệu mình sẽ có học không), quen với việc chờ đợi một đứa nào đó hay phát biểu sẽ đứng ra trả lời câu hỏi của thầy cô thay mình, quen với sự học nhanh như gió mà lỡ để mất gốc mất một bài thì thôi để kệ nó vậy luôn cho tới khi thi học kì… Chưa kể, nói gì đi nữa, học đại học thì cũng vẫn là học. Vẫn phải lên lớp, vẫn phải nghe giảng, vẫn phải làm bài tập. Việc học vẫn là việc chính – còn những hoạt động ngoại khoá, giao lưu bạn bè,… chỉ là một phần của cuộc sống đại học thôi. Đây cũng là điều mình nhận ra sau khi “vỡ mộng” giữa những vlog về đại học và cuộc sống thực. Đúng rằng học đại học vẫn có cái vui, chỉ có điều cái phần chính (80%) là phần học kia thì bị thu nhỏ lại (20%), còn phần khám phá – vui chơi – ăn uống – tụ tập – mua sắm… (20%) thì lại là phần chiếm 80% thời lượng những video đó.
Mấy tuần trước, trong buổi họp lớp, khi được hỏi cho lời khuyên trong học tập, thầy giáo chủ nhiệm của mình chia sẻ rằng thầy thấy quan trọng nhất trong khi học đại học là sự bền bỉ và liên tục. Lượng kiến thức cần phải học rất lớn, cứ học hết từ tuần này sang tuần khác, từ môn này đến môn khác, từ học kì này sang học kì khác. Chẳng còn cái gọi là nghỉ sau thi giữa kì, cũng chẳng có nhiều thời gian để ôn tập trước khi thi, học xong môn này lại lo để chuẩn bị đăng kí môn khác, nên chỉ còn cách là học và ôn mỗi ngày, chứ không thể đợi đến cuối, “nước đến chân (hay thậm chí đến cổ) mới nhảy” được. (Góc giải ảo: “Làm chủ môn X chỉ sau một đêm” là bất khả, có chăng là bạn “làm chủ” cái vé học lại nếu như bạn không phải là một dạng quái nhân nào đó.)
Phải học liên tục như thế, mà trong tận 4-5 năm, cảm giác như danh sách chương trình đào tạo như thể một dự án khổng lồ, mà ta cày mỗi ngày để gạch đi những to-do là những học phần trong đó. Nếu không có những định hướng rõ ràng, ta rất dễ rơi vào trạng thái “thả trôi”, ngồi cho qua ngày tháng, vì quên mất liệu có còn điều gì có thể khiến ta cần phải tranh thủ hay tập trung hơn hay không!
Nhưng một vấn đề với những lí tưởng, mục tiêu hay định hướng là ta thường hay dễ dàng quên mất chúng trong những lo toan thường nhật trước mắt; thường chung chung hay nếu có cụ thể, thì cũng là những thứ cần nhiều thời gian mới có thể đạt được chứ không nhanh gọn như việc pha một gói mì ăn liền hay chạy ra chợ mua cái này cái kia.
Trong những ứng dụng di động về phát triển bản thân, nhất là những ứng dụng về tập thể dục, có một nhân tố không thể thiếu trong thiết kế là “tính động viên” (encouragement). Tính động viên của những ứng dụng cho phép người sử dụng dịch vụ thấy được thành quả của họ trong những cố gắng đơn lẻ, và thấy được tổng thể tiến trình của bản thân (progress) để xem họ đang tiến tới đâu. Chính nhớ việc có thể thấy được những cố gắng của bản thân (đổ mồ hôi cho một buổi cardio – thứ khó có thể hình dung) dưới hình dạng những thứ hữu hình (dấu tích xanh, hay thanh trạng thái đang tiến dần tới đích, số phút tập được ghi lại), người tập sẽ cảm thấy những chiến thắng của bản thân được cổ vũ và ghi nhận đầy đủ, từ đó kích thích cảm xúc tích cực, khiến họ quay trở lại và tiếp tục tập trong những lần sau.
Mình cũng đã thử áp dụng điều tương tự sau khi nhận ra bản thân rơi vào trạng thái “mài mông cho qua ngày đoạn tháng”, và việc xốc dậy tinh thần bằng mục tiêu hay lí tưởng hoàn toàn không có tác dụng. Mình tạo một folder ở bên trong ứng dụng ghi chép trên điện thoại của mình, nơi mình sẽ ghi thứ mình gọi là “report” cho từng tuần học ở trường. Nói nghe cầu kì vậy thôi chứ đó chỉ là nơi mình viết ra những gì đáng nhớ trong những buổi học, mình đã có phát biểu hay làm gì đó đáng được ghi nhận hay không, và cả những suy nghĩ về những cái sạn nhỏ trong quá trình học, mà mình tìm cách để làm tốt hơn trong lần sau. Tới giờ đã là hết học kì đầu tiên, sau 15 tuần học, và mình có thể tự tin khẳng định cách làm này đang có hiệu quả với mình.
Dưới đây là chia sẻ cụ thể hơn về cách mình đã làm, và một vài mẹo mà mình rút ra trong việc ghi chép lại quá trình của bản thân.
Nguyên liệu
1 sổ giấy, hoặc 1 nơi ghi chép điện tử – nơi mà bạn đảm bảo có thể dễ dàng ghi chép nhanh gọn và những ghi chép đó được đảm bảo về mặt lưu trữ
Cách làm
Sau những buổi học trên trường, dành ra khoảng 5-10 phút để ghi lại những điều mà bạn cho là đáng nhớ ở buổi học. Nếu bận, hãy đảm bảo rằng bạn có dành thời gian để hoàn thiện ghi chép vào muộn nhất là cuối tuần học đó.
Lưu ý
- Chìa khoá để việc làm này phát huy tác dụng của nó: Nhớ ghi chép đều đặn! (Đôi khi mình cũng quên, nhưng vẫn cố gắng hoàn thành trong muộn nhất là đầu tuần sau đó – trước khi mình quên hết tất cả mọi thứ).
- Việc ghi chép những gì là toàn quyền do bạn quyết định. (Đối với bạn, điều gì xứng đáng được ghi lại như là một ghi nhận của quá trình học của bạn?) Với mình, mình ghi những lần mình giơ tay phát biểu; những ngày mình hiểu một cách trôi chảy những gì thầy cô nói (a.k.a. điều kì diệu, nhất là trong mấy tiết toán); những tuần mình có thêm điểm rèn luyện (nhỡ đâu có vấn đề gì còn lục lại được); và điều vui vui như những câu nói hay nhất trong tuần của thầy cô, sự xuất thần của đứa bạn nào đó… vì một ghi chú không quá căng thẳng và nhàm chán.
Behind The Scenes
Một vài ảnh chụp của những phần note mình đã ghi trong quá trình học của mình.


