Làm thế nào để vượt lên nỗi sợ thi đấu một giải đấu nhảy

energetic asian men performing breakdance under elevated highway

Gửi bạn, người mới bắt đầu chuẩn bị thi đấu những giải đầu tiên

Photo by Allec Gomes on Unsplash

Okay, bạn vừa được những người bạn dancer hay thầy cô dạy nhảy của mình quảng bá về một giải đấu sắp tới, và bạn thấy là nó khá hay ho và đang có ý định đi đăng kí đấu để xem trình độ mình đến đâu. Nhưng khi vừa về nhà vào trang sự kiện thì đập vào mắt bạn là thông tin của giám khảo (Judges) toàn là những người giỏi và lão làng, và những người đăng kí cùng hạng mục với bạn toàn “hàng khủng”. Bạn chưa đi đấu giải bao giờ, chưa có kinh nghiệm cũng như hình dung được mọi thứ sẽ như thế nào. Làm sao bây giờ?

Nếu như bạn còn chưa ghi danh thi đấu:

Rồi, tôi biết bạn vẫn đang băn khoăn với việc gõ tên mình vào mục đăng kí đó. Tay bạn run run, bạn cuộn qua cuộn lại xem profile của những đứa khác cùng đăng kí với bạn, trong đầu lẩm bẩm những cái tên nổi tiếng và những crew đình đám. “Thằng này chắc là đỉnh lắm đây, học trò thầy X cơ mà”, “Mẹ ơi, con này đã vô địch giải A, giải B rồi, giờ nó lại đi đấu mình làm sao có cửa…”, “… Có nên đăng kí không nhỉ, lại tạch prelim rồi ra đứng xem ư…”

30 phút trôi qua trên Facebook, và hiện tại bạn vẫn chưa gõ thông tin để đăng kí nữa. 

***

Tạm thời đóng trang đăng kí lại, đặt điện thoại xuống và nghe tôi kể chuyện này. 

Ở lớp học nhảy của tôi, có một tình trạng khá phổ biến giữa các bạn học sinh mới, và tôi cũng không phải là ngoại lệ. Mỗi lần có cơ hội gì đó để cải thiện, ví dụ như có workshop, jam, cypher hay giải đấu, câu cửa miệng của chúng tôi sẽ là:

“Em muốn, nhưng em sợ lắm!”

Việc đó cứ tiếp diễn cho tới một ngày, chị dạy lớp chúng tôi phải nói với cả lớp:

– Các em muốn thì cứ đăng kí đi đấu đi, sao phải ngại với sợ?
– Dạ, bởi vì bọn em sợ nhìn trông ngu ngốc lắm. Những người khác giỏi thế kia, mình đến như kiểu thừa ý. 
– Vậy thế em nhảy vì em hay nhảy cho mọi người?
– Vì em ạ…
– Vậy thế thì hãy đăng kí đi. Nếu em nhảy cho em thì quan trọng là bản thân mình, chứ người khác chê hay khen ra sao đâu có quan trọng? 
– …
– Nếu bọn em thực sự MUỐN thì hãy làm đi, đừng chỉ nói “em muốn” rồi lại vì sợ mà bỏ đấy. Nếu cứ để như vậy thì bọn em sẽ mãi kẹt ở trong chữ “muốn” mà thôi. 

Thôi đến đây rồi, tôi mong là bạn có thể tự tìm ra câu trả lời cho mình. Nếu bạn thực sự MUỐN, thì hãy biến cái muốn đấy thành sự thật đi. Còn nếu không thì bạn chưa đủ “muốn” như bạn nghĩ đâu.

Nếu như bạn đã đăng kí thi đấu và ngày thi đang tới gần:

Chúc mừng bạn, bạn đã đăng kí đấu rồi, vậy thì bây giờ không còn cái cớ để rút lui nữa rồi. Có sợ hay sao nữa thì vẫn phải vác mặt mình đến thôi. 

Có thể bạn chưa đóng tiền để đi đấu, có thể BTC chưa xác nhận việc đăng kí của bạn, hoặc có thể bạn có khả năng rút lại thông tin đăng kí của mình bất kì lúc nào, có thể hôm đó bạn lại bận… Có vô vàn lí do và khả năng có thể tiến đến gần tới ngày thi đấu và nếu tinh thần bạn không vững, hoặc manh nha ý định rút lui, thì nhiều khả năng bạn sẽ lấy mấy lí do trên làm cớ để không đi đấu. Một lần nữa, lựa chọn đi đấu hay không là ở bạn, tôi có khuyên răn cỡ nào thì người ra quyết định vẫn là bạn. Nhưng với tôi, chỉ trừ khi có lý do bất khả kháng không thể đi đấu, một khi đã suy nghĩ kĩ về chuyện mình sẽ đi thi và đã ghi danh đăng kí thì sẽ chẳng còn cái cớ gì để trốn ở nhà cả.

Bạn biết chắc rằng với đội ngũ thí sinh đăng kí hiện tại, bạn chắc chắn bị loại khỏi prelim? Vậy thì hãy đến và thể hiện hết mình, rồi nếu có tạch thật (có thể hơi phũ nhưng thường những người mới bắt đầu thì họ sẽ tạch thật) thì biết rằng: Thua là thua. Vui vẻ ở lại theo dõi trận đấu, vừa tận hưởng những màn đấu hay, vừa tự rút kinh nghiệm học hỏi cho bản thân mình.

Bạn nghĩ rằng với số tiền mình bỏ ra như thế, tạch prelim rồi không được đấu nữa thật là phí? Đấy là chỉ khi bạn chỉ đến để ra mỗi lượt prelim rồi đi về. Bạn đã đóng tiền mà, hãy tận dụng hết những cơ hội để học hỏi và giao lưu ở giải. Trước giờ thi đấu hãy tham gia cypher, hay làm quen với người đang xếp hàng check-in cạnh bạn. Hãy tranh thủ nhạc DJ đang chơi để khởi động và freestyle (nếu như bạn không muốn cypher), nhưng giờ đấu không phải là giờ để tập luyện. Hãy tập luyện thật chăm chỉ trước đó để rồi khi con giải kết thúc, dù kết quả thế nào bạn vẫn có thể tự tin “Tao đã đấu hết sức mình rồi!” Khi đấu hãy bình tĩnh và hết mình với những gì bạn có. Khi thua hay bị loại, hãy xuống vị trí của những người khán giả, theo dõi và tận hưởng giải đấu, thử tập chấm xem kết quả mình cho có giống với judge hay không, cổ vũ những dancer hay đội thi phía trên sân khấu, hoặc nói chuyện với một ai đó ngồi cạnh bạn, trao đổi và phân tích diễn biến của round đấu đó.

Đó là những gì bạn sẽ làm vào ngày diễn ra giải đấu. Vậy còn từ giờ đến lúc đó bạn làm gì?

Ở đây tôi sẽ chỉ nói về trường hợp khi bạn còn một thời gian ngắn trước thềm giải, tầm khoảng 1-2 tuần gì đó. Đối với người mới bắt đầu, bạn có thể sẽ chưa có vốn từ vựng động tác nhiều, hay khả năng chơi các concept, hình khối ảo tung chảo như những dancer giỏi kia. Tôi khuyên bạn hãy tập trung vào những gì bạn có và các kiến thức nền tảng. Hãy hỏi xin các tips thi đấu từ những anh chị đi trước, hay thầy cô giáo của bạn, viết note trong điện thoại và ghi nhớ áp dụng nó. Hãy cố gắng nắm thật chắc những gì bạn đang có, và dần dần tập sáng tạo với chúng. Nếu bạn nghĩ chúng nhàm chán và không nhiều cách để sáng tạo thì hãy nghĩ lại. Từ ba màu Đỏ, Lam, Lục, cùng với sắc độ khác nhau và cường độ màu khác nhau, chúng ta đã tạo ra vô số màu sắc, hiện tại lên đến 16 tỉ màu. Những động tác nhảy cũng thế. Có vô vàn cách để thực hiện một động tác, và khi kết hợp chỉ khoảng 4-5 động tác ấy thôi, chúng ta đã có rất nhiều khả năng rồi. Và biết đâu nhờ những lần luyện tập như vậy, bạn lại nghĩ ra một động tác được mang tên mình sau này? 😉 

Với tất cả những điều ấy, tôi chúc bạn thật sẵn sàng và máu lửa để đến với round đấu đầu tiên trong sự nghiệp nhảy của mình.