Hãy lắng nghe sự không-có-gì

woman playing grand piano

Để bắt đầu bài viết ngày hôm nay, bạn hãy thử nghe tác phẩm dưới đây:

Không phải loa của bạn hỏng đâu. Kể cả bạn có tua tới đoạn nào đi nữa.

Họ đang chơi nhạc thật đấy.

4’33” (”Bốn phút ba mươi ba giây”) là một tác phẩm ba chương do nhà soạn nhạc thể nghiệm người Mỹ John Cage sáng tác vào năm 1952. Được viết cho mọi nhạc cụ và mọi sự kết hợp có thể của nhiều nhạc cụ, bản nhạc này yêu cầu những nhạc sĩ không được chơi nhạc cụ của họ xuyên suốt thời lượng của tác phẩm.


Khoảng hồi đầu năm nay, ở Kinergie Studio, mình có cơ hội được nói chuyện với nhạc sĩ Ian Richter về ý tưởng “đầu vào” – “đầu ra” của một nghệ sĩ. Đại để là nếu chúng ta là một cỗ máy sáng tạo thì nó sẽ như thế này:

Với ý tưởng ấy, chất lượng đầu ra của các tác phẩm bị ảnh hưởng ít nhiều bởi chất lượng của thông tin đầu vào. Nghĩa là việc ta tiêu thụ cái gì ảnh hưởng nhiều tới thứ mà ta tạo ra.

Điều này không chỉ đúng trong công việc sáng tạo đơn thuần mà nó có thể được áp dụng trong rất nhiều khía cạnh khác trong cuộc sống. Ví dụ như:

  • Trong học tập, nếu ta được tiếp cận với những thông tin chuẩn xác, đa chiều, thường xuyên được cập nhật thì những gì ta đúc kết ra và thứ ta tạo ra sau này sẽ có khả năng cho chất lượng tốt hơn.
  • Trong đời sống, nếu ta có được một môi trường mà ở trong đó ta có những mối quan hệ chất lượng thì ta sẽ có đời sống tinh thần khỏe mạnh, và cũng vì thế mà ta tiếp tục xây thêm nhiều những mối quan hệ như vậy.
  • Trong làm việc, nếu như môi trường của ta đề cao sự chuyên nghiệp, hợp tác, cầu tiến thì ta cũng sẽ có xu hướng tiến tới điều đó trong công việc.
  • Hay nói đơn giản nhất như chuyện ăn uống, ta bỏ vào miệng thứ tốt lành thì cơ thể ta cũng bộc lộ ra ngoài sự khỏe mạnh nhất định.

Mình tin vào ý tưởng này tới độ không chỉ tìm cách để tăng thêm chất lượng cho “đầu vào”, mình còn tìm cách để tăng thêm số lượng của chúng.

Ví dụ như chuyện tiêu thụ nội dung số. Những năm gần đây nội dung số dạng âm thanh như podcast, audiobook… nổi lên và rất được ưa chuộng. Mình thích nghe chúng vì trong khi nghe còn tranh thủ làm được việc khác, như rửa bát, gấp quần áo… Thậm chí là đôi khi cảm thấy nếu chỉ rửa bát không, hay chỉ gấp quần áo không thì hơi bị “kém năng suất”, khi không kết hợp thời gian đó để tiêu thụ một thứ gì đó để bổ sung kiến thức.

Có một thời gian mình nghe podcast hầu như mọi lúc mọi nơi.

Và mình sớm nhận ra cách làm này có mấy vấn đề như thế này:

1 – Tiêu thụ quá nhiều, xử lý quá ít

Một ví dụ khá quen thuộc với vấn đề này là khi chúng ta đăng kí rất nhiều khóa học, tải về cái này cái kia, đọc cả đống sách, nhưng không dành thời gian để đúc kết chúng thành kiến thức. Những gì ta có chỉ dừng lại ở mức độ “biết”, hoặc cùng lắm là “thông hiểu”, chứ chưa đạt tới mức độ cao hơn.

Việc nghe cũng tương tự như vậy.

2 – Nghe trong “vô tri”

Bạn đang nghe từ đâu? Trên điện thoại? Máy tính? Có khi nào bạn đang nghe một nội dung mà mở một ứng dụng khác ra dùng, sau đó cứ để kệ cho audio chạy và khi nhận ra thì đã trôi qua mất một đoạn và bạn không nhớ là đã có thông tin gì?

Cách nghe kiểu này chỉ có… làm tốn pin điện thoại, chứ thực sự không giúp ích gì mấy. Giống như cái cách mà ta không đạt được gì khi hoàn toàn không chú tâm vào công việc, việc nghe khi không chú tâm không giúp ta có được kết quả gì.

Thứ ta nghe được – khi không còn nghe thấy gì nữa

Từ khi bắt đầu nhận thức về chuyện “nghe” của bản thân, mình bắt đầu nhận thấy một sự lặp lại tương tự ở những người xung quanh. Có thể không phải là podcast, nhưng nhiều người trong chúng ta luôn trong trạng thái đang tiêu thụ cái gì đó. Âm nhạc, video, phim ảnh… những nội dung đa phương tiện cứ như vậy chiếm lĩnh hầu hết thời gian của một ngày. Như ở nhà mình: Mình nghe podcast, bố mình thì hay mở YouTube – hai bố con cứ hay bảo nhau là “suốt ngày nghe làu ngàu”.

Quay lại câu chuyện với Ian Richter. Bác Ian có vẻ không lấy gì làm lạ trước ý tưởng ấy. Là một người làm nhạc, đối với Ian, việc nghe nhạc của chính mình và của những người khác đã là một phần của công việc. Bác chống cằm ậm ừ vài giây rồi nói:

“Ờm, Ian hiểu cái ý tưởng đó. Nhưng dạo này thì bác lại đang muốn mình nghe ít lại thôi. Hầu như ngoài thời gian chủ động sáng tác ra thì bác không mở nhạc nghe cả ngày như trước nữa.”

“…”

“Bởi vì nếu âm nhạc lúc nào cũng văng vẳng bên tai bác thì bác sẽ bỏ lỡ nhiều âm thanh khác của cuộc sống. Và cả sự yên lặng mà bác rất cần cho chính bản thân mình.”


Tác phẩm 4’33” của Cage được cho là tác phẩm nổi tiếng và cũng là tác phẩm gây tranh cãi nhiều nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Nhiều người đem nó ra làm trò cười, vì đơn giản cả dàn nhạc chỉ ngồi đó và không làm gì – đơn giản như vậy thì ai cũng làm được. Nhưng cũng nhiều người có nhiều lời ngợi khen cho ý tưởng đó, và chính John Cage cũng đã đứng ra giải thích về điều ông đã làm:

They missed the point. There’s no such thing as silence. What they thought was silence, because they didn’t know how to listen, was full of accidental sounds. You could hear the wind stirring outside during the first movement. During the second, raindrops began pattering the roof, and during the third the people themselves made all kinds of interesting sounds as they talked or walked out.

(Họ không hiểu ý tưởng ở đây. Không có thứ gì gọi là sự im lặng tuyệt đối. Những gì mà họ cho là im lặng – bởi vì họ chưa học được cách nghe – vốn được làm nên từ rất nhiều những âm thanh bất chợt. Ta có thể nghe thấy tiếng gió rít bên ngoài ở chương thứ nhất. Tới chương thứ hai, những hạt mưa bắt đầu gõ trên mái tôn; và tới chương thứ ba, những con người làm nên đủ thứ âm thanh thú vị khi họ bắt đầu nói chuyện hoặc rời đi.

— John Cage speaking about the premiere of 4′33″

Im lặng ở đây không phải sự thiếu vắng của âm thanh. Nó chỉ là sự thiếu vắng của những âm thanh có chủ đích.

Khi ấy, chúng ta bắt đầu nghe thấy âm nhạc của thế giới.

Một bản nhạc do tất cả chúng ta tạo nên.