Trong thời gian từ cuối tháng 8 đến giữa tháng 11, các vũ công của Đội Sản xuất linh hoạt Kinergie, cùng với các thành viên khách mời tham gia luyện tập cho một vở múa đương đại.
Vở múa dự kiến sẽ được trình diễn tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA, Vincom Center for Contemporary Art) vào cuối tháng 11; trên nền không gian của tác phẩm “Thuỷ Triều Cảm Xúc” từ nghệ sĩ trưng bày Chiharu Shiota.
Trong đội, tòi ra ba con người mang gốc Hip Hop vào phòng tập. Đó là mình, anh Quay Trần (Abnormal Conceptz) và anh Phương Xù (Wonder Sisters). Tập đương đại là chính nhưng nói chuyện nhảy đường phố là chủ yếu. Bài viết này thuộc Series “Trà đá Hip Hop”, chuỗi chia sẻ những gì mình đã học được từ hai người anh xuyên suốt quá trình này.
But there are moments, particularly in times of stress, when haste does not make waste, when our snap judgments and first impressions can offer a much better means of making sense of the world.
— Malcom Gladwell, “Blink: The Power of Thinking Without Thinking”
Năng lượng của chúng ta có thể truyền đến người khác theo những cách vô hình.
Không biết bạn có cảm thấy điều ấy không… Trong những cuộc nói chuyện thường ngày, những cái xã giao chạm mặt, sự gặp gỡ giữa người này người kia. Một cái im lặng khiến cả căn phòng trở nên căng thẳng, hay một người bạn đang vui sướng cũng khiến ta vui lây.
Mình cảm thấy điều ấy rõ nhất vào giây phút ở trên sân khấu. Đi đấu, đi diễn, đi tập… Hàng chục, có khi hàng trăm cặp mắt đổ dồn vào mình. Thỉnh thoảng lác đác vài người quen. Còn lại là những người mình chưa từng gặp trong cuộc đời. Thế nhưng bằng cách nào đó, họ nhìn mình và cảm thấy thứ mình đang cảm thấy.
Nếu mình đánh mất sự tập trung, khán giả cũng theo đó mà cảm thấy lơ đễnh.
Nếu mình đang bị mất cảm giác, người xem cũng tự hỏi tại sao cứ nhảy múa loằng ngoằng thế kia mà không có câu chuyện.
Nếu mình cảm thấy lo sợ và thiếu tự tin, người ta cũng tự cảm thấy phân vân, không ấn tượng.
Nhưng:
Nếu mình tin vào chuyển động của bản thân, người khác cũng tự nhiên thấy rất thu hút.
Nếu mình cảm thấy thực sự vui vẻ, hạnh phúc, được là mình, năng lượng tích cực ấy cũng được lan toả tới với những người xung quanh.
Đi xem giải, điều mình thích làm nhất là “tập chấm giải”. Coi như một cách thức để rèn luyện con mắt nhìn người và thấy được cái hay của người khác.
Sau mỗi round đấu, lại có kết quả của giám khảo để đối chiếu.
Trước đây mình suy nghĩ phức tạp lắm. Nghĩ rằng để đánh giá được nghệ thuật cũng cần phải có kiến thức, barème chấm điểm các yếu tố ra trò. Ngồi xem mà cứ canh người ta thể hiện kĩ thuật gì, trick gì, sự thực hiện động tác, bố cục, độ đồng đều… các thứ đồ.
Và thực ra thì điều ấy cũng đúng. Chẳng ai mời một đứa newbie làm judge cả.
Song nó chỉ đúng đến một mức độ nào đó thôi.
Đến cuối ngày, những thứ đó sẽ hoàn toàn… vứt đi, nếu như nghệ sĩ không thuyết phục được những khán giả của mình.
Và để thuyết phục được khán giả, họ cần phải thuyết phục được chính bản thân trước.
“Có những trận mà vừa hết lượt anh đã chỉ thẳng mặt người kia: Chiến thắng là của bạn.
— Quay Trần (Abnormal Conceptz)
Anh nhận mình thua luôn. Chẳng cần đợi đến một quyết định. Vì khi anh nhảy, anh không cảm thấy cái “sướng” ở trong mình.”
Tập chấm với tinh thần phân tích kỹ thuật, lúc mình đúng và lúc mình sai gần như ngang ngửa nhau. (Ở đây ta cùng đồng ý “đúng” là khi kết quả dự đoán của ta trùng với quyết định cuối cùng của giám khảo, và ngược lại.)
Nhưng khi mình “vứt não” đi, và chỉ xem với tinh thần một người thưởng thức, tự nhiên cái cảm giác của mình cho đến những kết quả đúng hơn hẳn. Nhiều khi chẳng cần đợi đến hết round đấu: Chỉ cần vài giây khi một người bước ra, mình đã cảm được cái năng lượng và lời mở đầu/ đáp trả của họ dành cho đối thủ sẽ ra sao – và đơn giản là đặt hai bên lên bàn cân so sánh là có được câu trả lời.
Dĩ nhiên là nếu khắt khe hơn, chúng ta sẽ cần những con số cụ thể để ngồi mổ xẻ xem tỉ lệ đoán đúng là bao nhiêu, sai là bao nhiêu. Nhưng mình nghĩ câu chuyện đó có thể để dành cho một dịp khác.
Đối với cá nhân mình, khi là một thí sinh thi đấu, tự chính bản thân cũng đã cảm nhận được sự thắng hay thua ngay giây phút mình bắt đầu. Khá là khó để diễn tả bằng lời: Đơn giản là có một giọng nói trong đầu, kiểu như “Thôi xong, quả này là không ăn nổi rồi.” (auto thua) hoặc “Cứ từ từ, để tôi cho anh bạn thấy là tôi có cái gì.” (= có cửa thắng)
Người nghệ sĩ trên sân khấu như một thực thể trong suốt và dễ vỡ, hệt như một chiếc cốc pha lê.
Là con người, chúng ta cảm nhận được và ảnh hưởng lên nhau nhiều hơn ta vẫn nghĩ.
Dành cho người vũ công: Bạn có lẽ sẽ cần đầu tư cho phát triển năng lượng bên trong nhiều tương đương, hay thậm chí hơn – so với việc luyện tập kĩ thuật đơn thuần.
Dành cho người thưởng thức: Đừng đặt áp lực bản thân phải có “vốn hiểu biết” sâu xa gì về nghệ thuật. Đừng trách tại bản thân “không hiểu” khi rất nhiều người khen một thứ bạn chẳng thấy hay. Cứ cảm theo cái cách mà con tim bạn cảm thấy, vậy là đủ.